Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đáng lẽ Bắc Kinh nên bỏ chính sách một con từ lâu'

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính sách một con của Trung Quốc không hiệu quả và gây ra tình trạng dân số già và việc dỡ bỏ quy định này là quá muộn.

Học sinh tại một trường tiểu học ở Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 27/10. Ảnh: Getty

Trung Quốc vừa bãi bỏ chính sách một con và cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh 2 con. Chính sách mới ra đời nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 29/10.

Nhiều quan chức Bắc Kinh từng quan ngại rằng chính sách một con gây tranh cãi trong suốt 35 năm qua đã thay đổi cơ cấu nhân khẩu học của quốc gia này.

Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người và dân số nước này đang già đi rất nhanh và nguồn lao động co lại. Theo Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có gần 440 triệu người trên 60 tuổi. Trong khi đó, nhóm ở độ tuổi lao động từ 15 đến 59 đã giảm còn 3,71 triệu trong năm ngoái và xu hướng còn có thể tiếp diễn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng dân số già sẽ trở thành gánh nặng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế. Đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ rất vất vả trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế.

"Trung Quốc đã bắt đầu nhận thấy cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết vì sự thay đổi kết cấu dân số", Wang Feng, giáo sư tại Đại học Phúc Đán và là nhà nghiên cứu nhân khẩu hàng đầu ở Trung Quốc nói với CNN hồi đầu năm nay.

Theo ông Wang, chính sách một con không hiệu quả và không cần thiết vì tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm từ những năm 1980. "Lịch sử sẽ nhìn nhận chính sách một con là một trong những sai lầm trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc", nhà nghiên cứu bày tỏ.

Nhiều học giả, trong đó có giáo sư nhân khẩu học Mu Guangzong của Đại học Bắc Kinh, cho rằng chi phí nuôi dạy con ngày càng cao sẽ khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không muốn có thêm con dù chính phủ cho phép.

"Tôi không nghĩ rằng nhiều cặp vợ chồng sẽ thực hiện chính sách này vì áp lực kinh tế nuôi dạy trẻ ở Trung Quốc rất cao. Tỷ lệ sinh đã thấp và dân số già đi nhanh chóng", ông Mu nói.

Theo vị giáo sư này, về phương diện chính sách, việc chính phủ cho phép các cặp vợ chồng có 2 con sẽ giúp ngăn chặn sự thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế để nuôi con.

Nhà nhân khẩu học Liang Zhongtang của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải thì cho rằng đáng lẽ Trung Quốc nên bỏ chính sách một con từ lâu.

Steve Tsang, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Nottingham, Anh, cùng quan điểm với ông Liang. Ông Tsang cho rằng chính sách 2 con của Bắc Kinh đã muộn. Do đó, tuy đúng hướng nhưng hiệu quả sẽ không cao. Giáo sư dự đoán rằng các cặp vợ chồng vốn đã ngại sinh thêm con sẽ không thay đổi kế hoạch. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính ngay lập tức sẽ ít hiệu quả bởi nhiều việc nạo phá thai do thích con trai hơn đã diễn ra nhiều thập kỷ.

"Mất cân bằng giới tính sẽ trở thành vấn đề lớn. Chúng tôi đang nói về khoảng 20 đến 30 triệu thanh niên đang gặp khó khăn trong việc kiếm vợ. Điều này gây ra vấn đề lớn cho xã hội", ông Tsang nói.

Trước đó, nước này đã nới lỏng một số hạn chế trong chính sách một con. Tại đại hội đảng năm 2013, chính phủ cho phép các cặp vợ chồng có hai con nếu một trong hai người là con một.

'Tôi không nuôi nổi một bé, nói chi đến đứa thứ hai'

1
Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con. Ảnh: Getty

Nhiều người dân Trung Quốc đón chào quy định mới của chính phủ. Tuy nhiên, một bộ phận cho rằng họ không có ý định sinh bé thứ 2.

Một tài khoản trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc viết: "Tôi không nuôi nổi một con, nói chi đến đứa thứ 2".

Cuối năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng có bé thứ hai nếu một trong hai người là con một. Tuy nhiên, các con số cho thấy ít người hơn dự đoán muốn tăng thêm thành viên trong gia đình.

Sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách một con, khoảng 30.000 cặp vợ chồng đã sinh bé thứ 2, ít hơn so với con số ước tính là 50.000 người. Tình hình cũng tương tự tại thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến.

Nhiều cặp đôi có chung suy nghĩ như anh Eason, một người dân Bắc Kinh. Eason, người muốn giấu tên thật, là cha của một bé 3 tuổi. Anh chia sẻ rất sợ gánh nặng tài chính nếu một bé nữa ra đời.

"Chi phí nuôi một bé đã chiếm phần lớn chi tiêu của chúng tôi. Một đứa trẻ nữa sẽ cần nhiều tiền cho cho chuyện học hành, nhà cửa.... Việc chăm sóc một đứa nhỏ đã tốn rất nhiều công sức của chúng tôi và cha mẹ", Eason nói.

Một người khác, Zhang Li, đang có kế hoạch mang bầu nhưng bị gia đình phải đối. "Bố mẹ chúng tôi phản đối kịch liệt chuyện vợ chồng tôi có thêm con thứ 2. Họ cho rằng gánh nặng tài chính sẽ rất lớn. Không ai có thời gian để chăm sóc đứa nhỏ", Li chia sẻ với CNN.

Thái độ ngại sinh con đang khiến các nhà nhân khẩu họ lo lắng. Trước đó, họ đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng dân số già trước khi đất nước đủ giàu để chăm sóc những người cao tuổi.

Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa quyết định bãi bỏ chính sách một con vốn được áp dụng từ năm 1979. Từ nay, mỗi cặp vợ chồng ở nước này sẽ được phép có 2 con.

Chính sách một con của Trung Quốc và những hệ lụy

Từ nhiều thập niên qua, chính sách một con của Trung Quốc là chủ đề gây tranh cãi cả trong và ngoài nước, kéo theo nhiều tác động tiêu cực tới xã hội.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm