Lanhee Chen, thành viên đảng Cộng hòa, đang chạy đua cho chức kiểm soát viên tiểu bang California vào kỳ bầu cử tháng 11.
Điều này được cho là quyết định táo bạo khi bang này vốn là thành trì của đảng Dân chủ, với phần đông là những nhóm người thiểu số. "Tôi có kinh nghiệm làm việc với đảng Dân chủ", ông Chen nói.
Ông Chen cũng đại diện cho một trong những tham vọng táo bạo hơn của đảng Cộng hòa: Giành được phiếu bầu của nhóm người Mỹ gốc Á.
Nhóm người Mỹ gốc Á, hay hiện nay được biết đến với tên gọi AAPI - thuật ngữ dùng để chỉ những người Mỹ đến từ châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương, phần lớn theo đảng Dân chủ. Nhóm này được cho là kiên định với đảng hơn so với các nhóm thiểu số khác, chẳng hạn người Mỹ gốc Latin.
Với hơn 11 triệu cử tri đủ điều kiện bầu cử (chiếm 5%), người Mỹ gốc Á là nhóm người có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số những cử tri được phân theo sắc tộc.
Tỷ lệ cử tri Mỹ gốc Á đi bầu đã tăng 50% tại cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 so với năm 2014. Tỷ lệ này là 1/3 khi so sánh giữa hai kỳ bầu cử tổng thống (năm 2016 và năm 2020).
Điều này cho thấy lá phiếu AAPI ngày càng có vai trò quan trọng trong các kỳ bầu cử và góp phần vào kết quả của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp trong năm 2020. Cuộc bầu cử năm đó diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á.
Theo tổ chức tư vấn Stop AAPI Hate, gần 11.000 "vụ việc thù ghét" nhắm vào người Mỹ gốc Á từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2021. Một số vụ việc gây chấn động, chẳng hạn vụ xả súng ở 3 tiệm spa tại thành phố Atlanta khiến 8 người chết, trong đó có 6 người gốc Á.
Các vụ việc có xu hướng phân biệt chủng tộc nhắm vào nhóm người gốc Á thời gian qua khiến nhóm cử tri AAPI cân nhắc lại lá phiếu của mình tại các kỳ bầu cử.
Buổi cầu nguyện tại hiện trường vụ xả súng tại Atlanta năm 2021 khiến 6 người Mỹ gốc Á thiệt mạng. Ảnh: Washington Post. |
Nghiêng sang cánh hữu?
Thăm dò của Economist/YouGov chỉ ra tỷ lệ cử tri châu Á ủng hộ ông Biden giảm từ 66% hồi tháng 7/2021 xuống còn 42% vào tháng 3 - giảm mạnh hơn so với người da đen hay gốc Latinh.
Tỷ lệ người Mỹ gốc Á nói rằng đất nước đang đi sai hướng cũng tăng hơn so với các nhóm khác trong giai đoạn này.
Các sự kiện đã diễn ra cho thấy một số nhóm người AAPI dần ngả sang phe Cộng hòa, nhưng cũng có những nhóm trung thành với cánh tả như người gốc Do Thái.
Có hai lý do để nghĩ rằng đảng Cộng hòa sẽ có lợi thế khi thu hút cử tri gốc Á.
Thứ nhất, người Mỹ gốc Á rất đa dạng. Họ đến từ nhiều quốc gia, nói nhiều ngôn ngữ và đa dạng tôn giáo. Những người này gần đây hầu như không dùng thuật ngữ “người Mỹ gốc Á”, thay vào đó họ chọn những tên gọi cụ thể, gắn liền với quốc gia, chẳng hạn người Mỹ gốc Việt hay người Mỹ gốc Nhật.
Từ đó, họ có thể hợp thành những cộng đồng nhỏ ủng hộ đảng Cộng hòa, tương tự người Cuba trong cộng đồng người gốc Latin.
Ngoài ra, chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt về lợi ích kinh tế xã hội có thể khiến phiếu bầu của nhóm AAPI. Khoảng cách giàu nghèo giữa người Mỹ gốc Á cao hơn so với người dân Mỹ nói chung.
Khi đó, phe Cộng hòa có thể thu hút lá phiếu của nhóm này bằng các chương trình nghị sự phù hợp với mối quan tâm của họ. Thực tế là vào năm 1992, một bộ phận người Mỹ gốc Á đã bầu cho cựu Tổng thống George H.W. Bush của đảng Cộng hòa.
Thứ hai, đảng Cộng hòa có thể thu hút sự ủng hộ của người gốc Á mới nhập cư.
Hơn 60% người Mỹ gốc Á được sinh ra ở nước ngoài, cao hơn so với người Mỹ gốc Phi (12%) hay gốc Latin (35%).
Với tỷ lệ hiện tại, ước tính sẽ có khoảng 46 triệu người AAPI vào năm 2060, và đảng Cộng hòa sẽ có cơ hội thu hút lá phiếu từ nhóm người này khi họ mới đến Mỹ.
Dù vậy, trên thực tế, những người mới nhập cư vào sẽ có xu hướng chính trị tương ứng với đảng mà gia đình hay láng giềng đang ủng hộ, hoặc không ủng hộ đảng nào, do đó đảng Dân chủ sẽ có lợi thế ban đầu.
Khi làn sóng người châu Á đến Mỹ vào giai đoạn 2000-2020, đảng Dân chủ - vốn được coi là đảng của các nhóm thiểu số - đã chủ động tiếp cận với nhóm người này hơn là phe Cộng hòa - bị hạn chế bởi một nhóm người có khuynh hướng chống nhập cư.
Theo NBC, tỷ lệ các vụ phạm tội thù ghét chống lại người Mỹ gốc Á trong năm 2021 đã tăng 339% so với năm trước đó. Ảnh: ABC News. |
Đồng minh của đảng Dân chủ
Theo Karthick Ramakrishnan của Đại học California, Riverside, xu hướng “nghiêng tả” của APPI kể từ năm 1996 đã tạo nên ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong bất kỳ nhóm chủng tộc nào ở Mỹ.
Dữ liệu từ công ty thăm dò APPI Data cho thấy hơn 75% số người muốn chính phủ có nhiều hoạt động chống biến đổi khí hậu; 80% người ủng hộ thắt chặt luật kiểm soát súng. Tất cả đều là những chính sách mà đảng Dân chủ hướng đến.
Vẫn còn những đặc điểm khác để đảng Cộng hòa nhận thấy khó để chia tách nhóm người Mỹ gốc Á. Nhóm người này được tiếp cận giáo dục tốt hơn trung bình, với hơn một nửa người có bằng đại học, với tỷ lệ ở riêng người Mỹ gốc Ấn là 75% (tỷ lệ trung bình của cả nước là 38%).
Theo Economist, việc có bằng cấp là một trong những yếu tố chắc chắn để dự đoán về việc họ sẽ bầu cho đảng Dân chủ.
Nhóm người này cũng có độ tuổi trẻ hơn, với tuổi trung bình của nhóm AAPI sinh ra tại Mỹ là 19, so với trung bình cả nước là 36, và những người trẻ sẽ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Khảo sát của nhóm nghiên cứu CIRCLE thuộc Đại học Tufts cho thấy 78% người Mỹ gốc Á trong độ tuổi 18-29 đã ủng hộ ông Biden vào năm 2020, hơn 20 điểm phần trăm so với cử tri trẻ toàn quốc.
Khi ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Á tăng lên, cả hai đảng đều phải làm việc để thu hút sự ủng hộ của nhóm này.
Dù vậy, ông Lanhee Chen thừa nhận đảng Cộng hòa đang xa cách với nhóm người Mỹ gốc Á và chưa thể cải thiện vấn đề này. "Không phải lúc nào đảng Cộng hòa cũng thoải mái với những người với mọi màu da".