Cuộc đối đầu Donald Trump -Hillary Clinton đã được định hình Ảnh: Reuters |
Theo kết quả do CNN cập nhật, tỷ phú Trump giành chiến thắng ở ít nhất 7 bang, khẳng định vị thế ứng cử viên số một của đảng Cộng hòa (GOP). Để đoạt chiếc vé của GOP ra tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11, một ứng cử viên cần có sự ủng hộ của 1.237 đại biểu. Và sau các chiến thắng mới đây, ông Trump đã nắm trong tay 302 đại biểu, vượt xa mức 174 của Thượng nghị sĩ Ted Cruz và 104 của Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
Trước đó, tạp chí The Atlantic đăng một bài viết thú vị với tựa đề Những người ủng hộ Trump là ai? Dẫn khảo sát của báo Washington Post, The Atlantic khẳng định đa phần là nam giới, da trắng, nghèo, không học đại học. Phải chăng đến giờ này giới truyền thông vẫn đánh giá thấp ông Trump? Bởi theo các khảo sát trong ngày Siêu thứ ba, ông Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp cử tri khác nhau.
Ví dụ, ông thắng ở Massachusetts, bang giàu có thứ 5 tại Mỹ, và bang Alabama, bang nghèo thứ 5. Cử tri thuộc đủ mọi cấp thu nhập, lý tưởng chính trị khác nhau đi bỏ phiếu ủng hộ Trump. Lý do đơn giản là họ “giận dữ” với chính phủ liên bang và muốn một người có thể đem lại sự thay đổi. Báo Financial Times đăng thư của hai cử tri cánh tả khẳng định họ có học vấn, thu nhập cao và hiểu rõ sự điên rồ của ông Trump, nhưng vẫn quyết định bỏ phiếu cho ông vì các sự lựa chọn còn lại đối với họ đều mang tính chất “giữ nguyên hiện trạng”.
Chẳng thế mà sau Siêu thứ ba, ông Trump hùng hồn khẳng định ông là “người thống nhất” đảng Cộng hòa và đủ sức đánh bại cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống. Và thực tế không chỉ có các cử tri, bản thân các ứng cử viên còn lại cũng đều chịu sự ảnh hưởng rõ rệt từ Trump. Cả Rubio và Cruz đều có chung quan điểm với Trump trong nhiều vấn đề, và sẵn sàng sao chép chiến thuật cực đoan, gây chia rẽ của Trump.
Việc ông Rubio xỉ vả ông Trump rằng tỷ phú New York có đôi bàn tay quá nhỏ và “tè ra quần” hoàn toàn không khác gì cách ông Trump nói về đối thủ. Rõ ràng, ông Trump đã phủ cái bóng quá lớn lên cuộc đua của đảng Cộng hòa và đang làm thay đổi hoàn toàn GOP, “đảng của Lincoln, đảng không lợi dụng định kiến của người khác” như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tự hào mô tả.
Kết quả ngày Siêu thứ ba đã khẳng định gần như chắc chắn rằng cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ là màn đối đầu giữa tỷ phú Trump và cựu Ngoại trưởng Clinton. Giới chuyên gia chính trị và truyền thông Mỹ vẫn cho rằng trong cuộc bầu cử tổng thống, bà Clinton sẽ dễ dàng đánh bại ông Trump. Nhưng liệu đó vẫn là sự đánh giá thấp quá sai lầm?
Làn sóng ủng hộ rộng rãi dành cho ông Trump cho thấy ông hoàn toàn có thể trở thành đối thủ đáng gờm của bà Clinton. Và thực tế là chỉ có bà Clinton mới đủ sức ngăn chặn ông Trump đi vào Nhà Trắng, do ảnh hưởng của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là khá hạn hẹp. Xét cho cùng, đa phần vẫn sẽ đặt cược cho cựu đệ nhất phu nhân Mỹ. Bởi ông Trump là một ứng cử viên có quá nhiều điểm yếu: một kẻ phân biệt chủng tộc, thành tích kinh doanh có nhiều điểm mờ ám, các đề xuất chính sách lung tung, không rõ ràng.
Trao đổi với Zing.vn, nhà báo Thomas Schueneman ở San Francisco nhận định bản thân bà Clinton cũng có không ít điểm yếu, nhưng với kinh nghiệm và năng lực của mình, bà đủ sức đập nát những ý tưởng mơ hồ, những tuyên bố cực đoan của ông Trump. Thế mạnh là khả năng diễn thuyết sẽ giúp bà “tiêu diệt” ông Trump trong các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống. Và khi đó, đảng Cộng hòa sẽ lại phải ngậm ngùi chứng kiến Nhà Trắng tuột khỏi tầm tay.