Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đẳng cấp của Thái Lan tại Olympic

Sau thành công của đoàn thể thao Philippines tại Olympic 2024, đến lượt Thái Lan lên tiếng với cơn mưa huy chương và mở ra tấm gương cho các nước trong khu vực.

Wongpattanakit giành HCV taekwondo 2 kỳ Olympic liên tiếp. Ảnh: Reuters.

Trong tuần lễ cuối của Thế vận hội 2024, thể thao Thái Lan liên tục giành 5 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Vàng vì biết đầu tư đúng trọng tâm

Người mang vàng cho thể thao Thái Lan là nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit sau khi bảo vệ thành công HCV ở nội dung taekwondo nữ hạng 49 kg. Thực ra chính Việt Nam mới là nước Đông Nam Á đầu tiên giành huy chương taekwondo tại Olympic với tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Sydney năm 2000.

Từ đó, Thái Lan đẩy mạnh đầu tư cho bộ môn họ tin rằng người Đông Nam Á có thể tranh chấp huy chương Tại thế vận hội. Cụ thể, Thái Lan tập trung tối đa nguồn lực cho hạng cân thấp nhất là dưới 49 kg để liên tục gặt hái thành công.

Tại Olympic 2004, Yaowapa Boorapolchai đoạt HCĐ hạng dưới 49 kg nữ. Olympic 2008, đến lượt Buttree Puedpong đổi màu lên HCB.

Vẫn hạng cân này, Thái Lan có HCĐ của Chanatip Sonkham tại Olympic 2012 và của Panipak Wongpattanakit tại Olympic 2016. Đến Olympic 2020, Thái Lan thành công đổi sang vàng ở hạng cân này với chiến thắng của Wongpattanakit và giờ tiếp tục là vàng cho Wongpattanakit.

6 kỳ Olympic liên tiếp có huy chương cùng tại nội dung dưới 49 kg dành cho nữ rõ ràng không phải nhờ ăn may mà đó là kết quả từ sự đầu tư trọng điểm của người Thái.

Bên cạnh đó, thể thao Thái Lan vẫn đầu tư hiệu quả cho bộ môn mũi nhọn là cử tạ với các nội dung dễ kiếm huy chương tại Olympic. Cử tạ giúp Thái Lan có 1 HCB (hạng dưới 61 kg nam) và 1 HCĐ (hạng dưới 49 kg nữ) tại Paris 2024.

Tại các kỳ Olympic trước, cử tạ cũng giúp Thái Lan giành đến 14 huy chương, trong đó có 5 tấm HCV. Đáng chú ý, các huy chương cử tạ của Thái Lan giành từ năm 2000 tập trung hầu hết ở hạng cân thấp dành cho nữ.

Không chỉ Thái Lan mà cử tạ trước đây cũng giúp các đoàn thể thao Đông Nam Á kiếm không ít huy chương tại Olympic. Indonesia giành đến 15 huy chương Olympic tại môn cử tạ, tất cả đều từ 2000. Hidilyn Diaz giúp Philippines có HCV hạng dưới 55 kg dành cho nữ tại Olympic 2020 và HCB tại Olympic 2016.

Việt Nam cũng từng có HCB của Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56 kg tại Bắc Kinh 2008 (với tổng khối lượng là 290 kg, kém VĐV đoạt HCV đúng 2kg) và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn cùng hạng cân tại London 2012.

Những môn thể thao mà Đông Nam Á dễ ăn huy chương tại Olympic

Quyền anh là môn thành công cho của khối ASEAN tại Olympic Paris 2024. Sau 2 HCV thể dục dụng cụ, Philippines có thêm 2 HCĐ nữa ở bộ môn quyền Anh nội dung dưới 50 kg và 57 kg cho nữ. Không có gì ăn may ở đây vì các tay đấm của Philippines từng giành được 4 HCB và 4 HCĐ từ các kỳ Olympic trước đó.

Trong khi đó, Thái Lan cũng giành 1 HCĐ tại Olympic 2024 ở hạng dưới 66 kg dành cho nữ. Tại các kỳ Olympic trước đó, người Thái cũng kiếm được 15 huy chương quyền Anh gồm 4 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ. Có thể thấy cơ hội cho các nước ASEAN ở quyền Anh nữ rất cao, đặc biệt là những hạng cân thấp.

Một bộ môn mà người Đông Nam Á không cần phải chọn hạng cân thấp mà có thể đấu sòng phẳng với thế giới là cầu lông. Tính đến nay, có đến 3 nước Đông Nam Á kiếm được huy chương cầu lông tại Paris.

The thao Thai Lan anh 1

Kunlavut Vitidsarn với tấm HCB lịch sử ở môn cầu lông.

Thái Lan xuất sắc nhất khi có HCB đơn nam của Kunlavut Vitidsarn. Hai cường quốc cầu lông khác của khu vực là Malaysia và Indonesia chỉ có HCĐ. Nếu Malaysia có HCĐ đơn nam và đôi nam thì Indonesia có HCĐ đơn nữ.

Thái Lan từng có xuất phát điểm khá thấp ở bộ môn cầu lông khi tại SEA Games 1995, họ không có nổi tấm HCV nào nhưng giờ thì quốc gia này không chỉ san bằng cách biệt mà còn vượt lên so với Indonesia và Malaysia.

Từ đó có thể nhận thấy rằng nếu đầu tư đúng hướng trong một thời gian đủ dài thì các nước trong khu vực hoàn toàn có thể kiếm huy chương Olympic từ cầu lông, cử tạ, quyền Anh, taekwondo như Thái Lan đã làm.

Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm