Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đang bỏ trốn, vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn có luật sư bào chữa

Theo luật sư, do bị truy tố 2 tội danh với khung hình phạt cao, bà Nhàn phải có luật sư chỉ định. Luật sư sẽ căn cứ tài liệu vụ án và lời khai những người liên quan để bào chữa.

Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội dự kiến mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) và 34 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và các đơn vị liên quan.

Trong 36 bị cáo, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) cùng 7 người khác đang bỏ trốn. Các bị cáo này được tòa án chỉ định luật sư tham gia bào chữa. 28 bị cáo còn lại có gần 30 luật sư bào chữa.

Vì sao bà Nhàn vẫn có luật sư bào chữa dù đang bỏ trốn?

Nguyen Thi Thanh Nhan anh 1

Các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trái) và Trần Đình Thành.

Luật sư Ngô Văn Thạnh (Công ty Luật The Light) cho biết trong vụ án hình sự, nếu không có người bào chữa, người bị buộc tội có thể tự bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật quy định đối với một số trường hợp đặc biệt, người bị buộc tội phải có luật sư hoặc người bào chữa trong vụ án.

Trích dẫn Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, ông Thạnh cho biết có 2 trường hợp mà bị can, bị cáo bắt buộc phải có luật sư hoặc người bào chữa. Đó là trường hợp bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình, hoặc người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể bào chữa; nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Trong 2 trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ nếu họ không có người bào chữa.

Đối với người bào chữa, người đó có thể là luật sư được chỉ định, trợ giúp viên pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý, hoặc bào chữa viên nhân dân do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa.

Trong vụ án này, bà Nhàn bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ theo quy định tại các khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015. Mức án cao nhất đối với các tội danh này đều là 20 năm tù.

Đối chiếu quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Thạnh cho rằng với việc bị truy tố về 2 tội danh với khung hình phạt cao nhất, việc HĐXX chỉ định luật sư bào chữa cho bà Nhàn là có cơ sở. Dù bị cáo bỏ trốn, việc xét xử vắng mặt vẫn sẽ được tiến hành. Khi đó, luật sư sẽ căn cứ tài liệu vụ án cũng như lời khai của những người liên quan tại phiên tòa để xác định hướng bào chữa và đưa ra bản luận cứ bào chữa cho bị cáo trước tòa.

3 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

3. Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng đề cập tới quy định, thực tiễn áp dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền.

Sắp xét xử cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị cáo

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo khác đã bỏ trốn, nên được TAND Hà Nội chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.

Truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cựu bí thư, cựu chủ tịch Đồng Nai

Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 35 bị can khác bị VKSND Tối cao truy tố về 5 tội danh liên quan vụ án xảy ra tại AIC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và một số đơn vị.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm