Vào 4 giờ sáng, Li Bohao (23 tuổi), một doanh nhân khởi nghiệp tại Trung Quốc, nhận được cuộc gọi khẩn từ một người bạn, giục anh hãy bán toàn bộ cổ phiếu của Nio Inc. - công ty xe điện được mệnh danh là “Tesla của Trung Quốc” niêm yết tại Mỹ. Vì lệch múi giờ với thị trường Mỹ, anh này thường phải thức đêm để theo dõi và thực hiện các giao dịch chứng khoán tại xứ cờ hoa.
Lúc bấy giờ, giá cổ phiếu của công ty này lao dốc trầm trọng và giới phân tích dự báo rằng chúng có có thể sẽ sớm vô giá trị. Li đã nghe theo lời của người bạn này.
Không ngờ, giá cổ phiếu của Nio Inc. hiện ở mức cao gấp 4 lần so với thời điểm Li bán chúng vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ không hề cảm thấy hối tiếc. "Tôi không theo dõi giá của những cổ phiếu mình đã bán. Đó là một bài học về tính quyết đoán khi đầu tư”, Li nói.
Câu chuyện của Li Bohao chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà các nhà đầu tư nghiệp dư Trung Quốc gặp phải khi họ đổ xô tìm kiếm cơ hội làm giàu tại thị trường chứng khoán nước ngoài thay vì thị trường trong nước.
Phố Wall luôn hấp dẫn
Theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư nghiệp dư còn ồ ạt sử dụng ứng dụng giao dịch của Robinhood Markets Inc. (một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ) trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm về cổ phiếu niêm yết tại New York.
Theo thống kê của Citigroup, khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết tại Mỹ trên ứng dụng của Futu Holdings - một nền tảng giao dịch cổ phiếu nước ngoài lớn nhất Trung Quốc - tăng hơn 3 lần trong quý I năm nay và nhảy vọt lên 55,4 tỷ USD trong quý tiếp theo. Năm 2019, con số này gần như không biến động.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu trên ứng dụng Futu tăng vọt trong 2 quý đầu năm. |
Mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong thời kỳ tăng nóng, cổ phiếu niêm yết tại New York vẫn hấp dẫn do có ít hạn chế hơn. Chẳng hạn như nhà đầu tư được phép bán khống và biên độ được nới lỏng hơn so với sàn Trung Quốc.
Ví dụ, trong khi chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải tăng 10% trong năm nay thì chỉ số S&P 500 tại phố Wall mới nhích lên 4%.
Và do đó, giới đầu tư Trung Quốc ngày càng đổ xô vào thị trường chứng khoán Mỹ bất chấp quy định kiểm soát vốn chặt chẽ của quốc gia này. Theo quy định, mỗi cá nhân Trung Quốc chỉ được đưa ra nước ngoài 50.000 USD mỗi năm.
Một yếu tố khác khiến thị trường Mỹ luôn hấp dẫn nằm ở sự chuyên nghiệp. Trong khi tại Trung Quốc, chủ yếu là giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân, do đó giá cổ phiếu thường biến động theo tâm lý chung.
"Tại Trung Quốc, bạn thường xuyên phải chạy theo thị trường. Còn ở Hong Kong hay Mỹ, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức lớn hơn nên thị trường sẽ nghiêng về giá trị và các yếu tố nền tảng hơn", Daphne Poon, chuyên gia phân tích tại Citigroup, nhận xét.
Đó cũng chính là lý do khiến David Zhou (20 tuổi) lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ khi đang du học tại New York.
“Tôi cho rằng thị trường Mỹ ổn định hơn do các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và độ dày của chứng khoán Mỹ. Trong khi thị trường Trung Quốc biến động khá thất thường, rất khó để định giá”, Zhou chia sẻ.
Thị trường chứng khoán Mỹ được đánh giá cao do tính chuyên nghiệp, minh bạch và quy định ít gắt gao hơn so với thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Ngoài việc tiếp cận với các tên tuổi lớn như Apple hay Tesla, những nhà đầu tư nghiệp dư như Li hay Zhou cũng muốn sở hữu cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài. Hiện có hơn 400 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Trong đó, cổ phiếu của các công ty lớn như Pinduoduo hay Bilibili chỉ mua được thông qua chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR). Điều này càng khiến các nhà đầu tư Trung Quốc hứng thú hơn với thị trường Mỹ.
Trở lại trường hợp của Zhou, người này bắt đầu từ những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trong đó có Bilibili - được mệnh danh là “YouTube của Trung Quốc”. Mặc dù là ứng dụng chia sẻ video lớn nhất Trung Quốc, Bilibili lại gần như xa lạ với người Mỹ. Sau khi chờ giá tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng, Zhou đã quyết định bán mã này vào tháng 6.
"Khó khăn lớn nhất khi tôi đánh giá các công ty Mỹ là không sử dụng sản phẩm của họ, nên mọi thứ khá mơ hồ. Còn sản phẩm của công ty Trung Quốc thì quá quen thuộc với tôi rồi”, Zhou chia sẻ.
Thời thế thay đổi
Hiện tại, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đến từ căng thẳng địa chính trị ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến nhiều công ty Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ.
Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật rút niêm yết các công ty Trung Quốc tại sàn chứng khoán Mỹ. Mới đây, chính quyền Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ loại bỏ các công ty Trung Quốc không minh bạch sổ sách kế toán ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối năm sau.
Nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm sân chơi mới. Điển hình như Ant Group của tỷ phú Jack Ma gần đây đã lựa chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải, thay vì sàn New York.
"Trong quá khứ, nhiều công ty nổi tiếng của Trung Quốc được giới đầu tư trong nước yêu thích chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Song xu hướng này có thể thay đổi trong trung hạn”, Bloomberg dẫn lời ông Kelvin Chu - chuyên gia phân tích thị trường Trung Quốc tại UBS Group.
Nhiều công ty lớn đang lựa chọn niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong, thay vì New York. |
Khi Hong Kong đang trở thành sân chơi mới của các công ty Trung Quốc, dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân có thể dịch chuyển sang thị trường này. Tuy nhiên, ông Chu cho rằng thị trường nước ngoài vẫn có sức hấp dẫn nhất định. "Dòng tiền đầu tư sẽ tiếp tục chảy, không sang Mỹ thì cũng sang nước khác", ông Chu dự báo.
Đặc biệt, khi số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang tăng lên, nhu cầu đa dạng hóa đầu tư sẽ được mở rộng. Theo ước tính của Capital Watch, số nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào thị trường nước ngoài sẽ tăng gấp đôi trong năm 2023, lên 66,3 triệu người.