Khảo sát được Jetro thực hiện vào cuối năm ngoái dựa trên phản hồi của 3.500 doanh nghiệp có mong muốn đầu tư ra nước ngoài. Kết quả được công bố ngày 30/7 cho thấy 41% trong số này có kế hoạch mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ này đối với Thái Lan là 36%, hãng thông tấn Kyodo đưa tin.
Báo cáo cho biết ngày càng nhiều công ty Nhật Bản mở rộng đầu tư ở Đông Nam Á, đồng thời thu hẹp quy mô tại Trung Quốc do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo khảo sát, chỉ có 48% doanh nghiệp Nhật Bản cho hay sẽ tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc, giảm 7 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Bên trong một xưởng lắp ráp ôtô của công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Kết quả trên là một phần trong kế hoạch đa dạng chuỗi cung ứng của Nhật Bản nhằm tránh sản xuất tập trung tại một quốc gia nhất định. Theo đó, nước này sẽ dịch chuyển một số dây chuyền đang hoạt động tại Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nhật Bản là quốc gia thứ hai thực hiện chiến dịch cụ thể trong việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2019, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đạt 191 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2017.
Với kế hoạch này, chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ chi phí cho một số doanh nghiệp để họ mở rộng đầu tư sang các nước khác. Vào giữa tháng 7, Jetro công bố danh sách 30/100 doanh nghiệp được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. Trong số đó, có 15 doanh nghiệp lựa chọn mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, cũng cho biết đang có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty này sản xuất thép tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Mexico.