Wang Huaiying (35 tuổi), một phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), mới sinh con thứ 3 gần đây, thỏa nguyện có một bé trai trong nhà.
Chia sẻ với SCMP, Wang cho biết người lớn tuổi trong làng cô luôn coi trọng chuyện "nối dõi tông đường". Hầu hết hộ gia đình xung quanh đều sinh tới 3-4 người con với hy vọng có một mụn con trai.
Chính sách cho phép mỗi gia đình sinh 3 con trở thành "cơ hội vàng" để nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc cố gắng đẻ con trai. Ảnh: Sixth Tone. |
"Nếu nói tôi không hề để tâm tới giới tính con cái thì không đúng. Nhưng, từ thế hệ tôi trở đi, người trẻ không còn đặt nặng chuyện đẻ con trai như thời bố mẹ nữa. Ở 2 lần sinh trước, tôi đều nói thẳng với gia đình, quyết giữ thai dù chúng là con gái", cô kể.
Dẫu phần đông các cặp vợ chồng trẻ ở xứ tỷ dân không còn nặng nề với quan niệm "nối dõi tông đường", tâm lý chuộng con trai vẫn bám rễ trong nhiều cộng đồng. Do đó, khi chính phủ cho phép mỗi gia đình sinh 3 con, không ít cặp vợ chồng bèn nắm lấy cơ hội có một cậu con trai.
Tận dụng cơ hội để đẻ con trai
Tháng 5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách sinh nở, cho phép các bậc cha mẹ sinh 3 trẻ mà không phải nộp tiền phạt như trước. Đây được coi như giải pháp tối ưu cho tình trạng già hóa dân số nhanh chóng và tỷ lệ sinh đạt mức thấp nhất trong 60 năm gần đây.
Tuy nhiên, chính sách này vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận. Với nhiều gia đình, đặc biệt ở các thành phố lớn, áp lực tài chính, công việc và khó khăn khi nuôi dạy con cái làm các cặp vợ chồng ngại sinh con, thậm chí chỉ một đứa.
Song, ở những vùng nông thôn Trung Quốc, chính sách này trở thành cơ hội để các gia đình thỏa nguyện sinh con trai.
Nhiều gia đình ở nông thôn Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ những quan niệm truyền thống như "nối dõi tông đường" hay "càng nhiều con, càng nhiều lộc". Ảnh: Sky News. |
Các cuộc khảo sát gần đây từ nhóm nghiên cứu Cục Thống kê Quốc gia ở 3 thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, và Sơn Đông cho thấy mức độ sẵn sàng sinh 3 trẻ ngày càng gia tăng tại các khu vực nông thôn.
Theo SCMP, một nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả này là các quan niệm truyền thống như "càng nhiều con, càng nhiều lộc".
Tại Diêm Thành (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), gần 12% cư dân nông thôn có mong muốn sinh con thứ 3, cao hơn khoảng 9% so với người sống ở thành thị. Tại Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) và Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang), tỷ lệ này cao hơn lần lượt tầm 7% và 3%.
Shi Wei, một bà mẹ trong độ tuổi 20, đang nóng lòng chờ đón đứa con thứ 3. Khi biết mình có bầu vào tháng 4, cô thường cầu nguyện cho em bé là con trai trên mọi bài đăng mạng xã hội.
Trả lời SCMP, Shi cho biết áp lực chủ yếu đến từ phía nhà chồng. "Ông nội chồng, bố chồng, chị chồng đều mong có cháu trai bế bồng. Mẹ đang gánh nhiều áp lực lắm, chỉ mong con của mẹ mạnh khỏe", Shi chia sẻ tâm trạng khi mang thai lần 3 trong một bài đăng mạng xã hội.
Cô nhấn mạnh rằng dù lần này có mang bầu con gái, cô vẫn sẽ yêu thương đứa trẻ.
Ảnh hưởng từ tâm lý chuộng con trai
Thực tế, nhiều gia đình Trung Quốc không hào hứng với việc sinh con gái. Trong những năm thực hiện chính sách một con, khát khao sinh bé trai dẫn đến tình trạng nạo phá thai và chọn lựa giới tính thai nhi trở nên phổ biến.
Hu Zhan, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số và Phát triển ở ĐH Phúc Đán, cho biết việc gia tăng tỷ lệ sinh theo quy định pháp luật và giảm định kiến với trẻ em gái sẽ là giải pháp khắc phục sự mất cân bằng giới tính.
Tâm lý chuộng con trai trong gia đình và xã hội đẩy xứ tỷ dân rơi vào tình trạng chênh lệch tỷ lệ giới tính nghiêm trọng. Ảnh: SCMP. |
Để ngăn việc phá bỏ thai nhi là bé gái, chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định cấm xác định giới tính thai nhi vào năm 2003. Dù vậy, nhiều đôi vợ chồng vẫn cố gắng lách luật bằng cách xét nghiệm ADN ở Hong Kong.
Theo SCMP, tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc có sự mất cân bằng nghiêm trọng. Cứ 100 bé gái ở xứ tỷ dân được sinh ra, thì có 111,3 bé trai chào đời. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết con số phù hợp phải nằm trong khoảng 104-106 bé trai trên mỗi 100 bé gái.
Giáo sư Yuan Xin, chuyên gia dân số từ ĐH Nankai, nhận định sự mất cân bằng giới tính như trên là kết quả từ nhiều yếu tố khác nhau ngoài tư tưởng chuộng con trai.
"Lợi ích xã hội, kinh tế cũng góp phần vào xu hướng này. Các doanh nghiệp gia đình vẫn ưng con trai hơn vì đứa trẻ có thể kế thừa gia đình. Thực tế, xã hội vẫn ưu ái nam giới hơn nữ tại môi trường làm việc", ông nói.
Sự mất cân bằng giới tính gây ra những tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống. Điển hình là nạn buôn bán phụ nữ từ các quốc gia lân cận về làm cô dâu cho những người đàn ông không tìm được vợ.
Ngày nay, nhiều khu vực nghèo đói ở xứ tỷ dân được mệnh danh "làng độc thân". Nam giới ở những vùng này độc thân dù tuổi khá lớn do làng vắng bóng phụ nữ.
Ngoài ra, giáo sư Yuan Xin cũng nhấn mạnh tình trạng này có thể gián tiếp gia tăng khả năng phạm tội liên quan đến tình dục do nam giới cảm thấy tổn thương khi không thể lập gia đình.
Thực tế, tỷ lệ sinh thấp ở Trung Quốc gây ra bởi áp lực xã hội, không do luật pháp hay chính phủ.
Với các gia đình có mong muốn sinh thêm con, nỗi căng thẳng khi làm mẹ có thể không giảm bớt nhờ quy định mới, nhưng họ có thể thở phào nhẹ nhõm khi không phải nộp tiền phạt.
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiến nghị xứ tỷ dân nên loại bỏ hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình. Wang, người mẹ đến từ tỉnh Sơn Đông, ủng hộ ý tưởng này.
"Do chính phủ đã cho phép mỗi gia đình có 3 đứa trẻ nên tôi nghĩ kiến nghị trên có thể thành hiện thực trong tương lai", cô nói.