Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Triều Tiên reo hò xem võ sĩ Mỹ đấu vật

Triều Tiên dường như đang muốn thế giới nhìn họ bằng cặp mắt khác thay cho hình ảnh một "quốc gia bí mật".

Khán giả Triều Tiên thích thú xem màn đấu vật kiểu Mỹ tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Khán giả Triều Tiên thích thú xem màn đấu vật kiểu Mỹ tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Mới đây, các nhà báo quốc tế đã được chính quyền Bình Nhưỡng đưa đi tham quan Triều Tiên trong một chuyến đi được kiểm soát chặt chẽ.

Dù vậy họ đã được tham dự một giải đấu vật, tham quan câu lạc bộ đồng quê, công viên giải trí và các dự án trọng điểm.

Ngoại giao thể thao

Người dân ở Triều Tiên có lẽ không quen mắt với hình ảnh một võ sĩ người Mỹ lực lưỡng cởi trần với chỉ mỗi chiếc quần lửng. Nói đúng hơn, họ chưa chứng kiến một trận đấu vật chuyên nghiệp trong gần 20 năm qua.

Giờ đây, trong một cuộc thi kéo dài hai ngày cuối tháng 8 tại Bình Nhưỡng, các cựu ngôi sao đô vật Mỹ trình diễn các màn đánh đấm đẹp mắt trong sự reo hò và vỗ tay của khán giả Triều Tiên.

Nhiều khán giả thậm chí còn dùng điện thoại di động chụp ảnh những gì đang diễn ra. Võ sĩ Jon Strongman Anderson hét lớn trên võ đài: “Chúng tôi tới đây để làm những điều to lớn hơn và tốt đẹp hơn”.

Theo CNN, có thể ông Anderson đang ám chỉ mục đích của chuyến đi đến Bình Nhưỡng lần này, một sự kiện được coi là “ngoại giao thể thao” do chính trị gia Nhật Antonio Inoki (xuất thân từ võ sĩ đô vật) tổ chức.

Chuyến đi này cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật - Triều đang tan băng sau căng thẳng về việc công dân Nhật bị bắt cóc những năm 1970, 1980.

Nổi tiếng ở Mỹ sau trận thắng huyền thoại quyền anh Muhammad Ali năm 1976, ông Inoki đang thực hiện một sứ mệnh cá nhân nhằm cải thiện quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Tokyo, đặc biệt là giúp giải quyết các căng thẳng quanh các vụ bắt cóc.

Cũng nhờ sự kiện này, báo giới quốc tế được cho tham quan nhiều nơi, từ nơi sinh của cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) cho tới những dự án do lãnh đạo hiện tại Kim Jong Un khởi xướng.

Kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011, ông Kim Jong Un đã tìm cách để lại dấu ấn của mình ở đất nước 25 triệu dân này. Nhà lãnh đạo trẻ đã cho thực hiện một số dự án riêng, chi bạc triệu vào một bệnh viện nhi đồng mới, một công viên nước có ống trượt ở Bình Nhưỡng.

Phóng viên CNN đi trong đoàn nhà báo quốc tế cũng đã miêu tả cảm giác ấn tượng về cơ sở hạ tầng ở Bình Nhưỡng.

Đất nước bí ẩn nhất thế giới trong mắt phóng viên Mỹ

Một nhà báo phương Tây hiếm khi được cho phép vào Triều Tiên. Việc một phóng viên người Mỹ đến thăm quốc gia về cơ bản đang bị cô lập với thế giới này lại càng ít xảy ra hơn.

Cánh cửa giao tiếp

Theo Global Post, những du khách nước ngoài giàu có cũng đang bị đất nước “bí ẩn” Triều Tiên mê hoặc.

Bình Nhưỡng mới đây đã quảng cáo tour trượt tuyết đầu tiên tại đây sau khi khai trương một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết hồi đầu năm nay.

Chiến thuật của Bình Nhưỡng đã có hiệu quả. Mặc dù còn khiêm tốn nhưng số du khách đến Triều Tiên đang tăng lên. Đặc biệt, số lượt thăm viếng Triều Tiên của du khách phương Tây cũng bắt đầu nhiều hơn.

“Bao thập kỷ qua các lệnh cấm vận đã chẳng có tác dụng gì ngoài việc khiến đời sống người dân ở đây khó khăn hơn. Mở cửa cho du khách là cánh cửa duy nhất để người Triều Tiên có cái nhìn về thế giới bên ngoài”, một đại diện Công ty lữ hành Lupine Travel phân tích.

Còn một nhà ngoại giao đã ngồi trên khán đài xem các trận đấu vật cuối tuần qua nhận định sự kiện này đem lại cho người dân Triều Tiên một cái nhìn thoáng qua về thế giới bên ngoài, điều mà họ không thường nhìn thấy.

Những người ủng hộ trao đổi văn hóa nói những sự giao tiếp phi chính trị kiểu này có thể giúp cải thiện quan hệ giữa các bên đối địch và giảm sự cô lập của các xã hội bị coi là đóng cửa. Evans Revere, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ từng có thời gian dài tiếp xúc với Bình Nhưỡng, nhận định những sự kiện như cuộc thi đấu vật có thể giúp gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những sự kiện như trên chẳng giúp ích được gì vì giữa các bên không thật sự có liên lạc chính thức.

Washington Post dẫn lời chuyên gia về Triều Tiên Adam Cathcart thuộc Đại học Leeds (Anh) ví von: “Cũng giống như động mạch, nếu không có gì chảy qua, đó không phải là một đường dẫn thật sự mà chỉ là một vách ngăn yếu ớt. Nếu không có một cơ chế để tuân theo, nếu người đối thoại của một bên thay đổi, khi đó bạn buộc phải bắt đầu lại từ mọi giai đoạn và khái niệm về sự tiến bộ thông qua những cuộc thăm viếng như vậy chỉ là hão huyền”.

Hình ảnh chân thực về đất nước bí ẩn nhất hành tinh

Một phóng viên phương Tây đã có cơ hội khám phá cuộc sống và nét riêng biệt của người dân Triều Tiên nhân dịp sự kiện thể thao quốc tế diễn ra tại Bình Nhưỡng.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20140902/dan-trieu-tien-reo-ho-xem-vo-si-my-dau-vat/640267.html

Theo Việt Phương/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm