"Sóng thần cao 1,2 m được ghi nhận ở Nukualofa (thủ đô của Tonga)", Cơ quan Địa chất Australia cho biết, AFP ngày 15/1 đưa tin.
Tại thủ đô Nukualofa, sóng thần khiến nước biển tràn vào các khu vực dân cư ven biển. Nhiều nhà dân bị sóng biển đánh sập.
Mere Taufa nói cô đang chuẩn bị ăn tối trong nhà thì núi lửa phun. "Một cơn chấn động dữ dội xảy ra. Cả nhà tôi rung chuyển. Rồi sau đó là những đợt sóng biển liên tiếp. Em trai tôi tưởng là có bom nổ gần nhà", cô Taufa nói với Stuff.
Chỉ ít phút sau, Taufa nói nước biển tràn vào khắp nhà và những căn ở xung quanh. Bức tường của nhà hàng xóm bị đổ sập. "Chúng tôi biết ngay sóng thần đang đánh vào. Tiếng la hét ở khắp nơi. Mọi người kéo nhau đến vùng đất cao hơn để trú ẩn", cô nói.
Trận sóng thần xuất hiện ở Tonga là hệ quả vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai nằm cách thủ đô Nukualofa khoảng 65 km về phía bắc. Vụ phun trào kéo dài 8 phút, tạo ra cột tro bụi và khói cao nhiều km.
Sóng thần tràn vào thủ đô Nukualofa của Tonga. Ảnh: Stuff. |
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào mạnh tới mức tạo ra âm thanh "như tiếng sấm". Âm thanh từ Hunga Tonga-Hunga Ha'apai có thể nghe thấy tại Fiji, cách núi lửa hơn 800 km.
Sau khi núi lửa phun trào, Quốc vương Tonga Tupou VI đã được di tản từ cung điện hoàng gia về một dinh thự cách xa bờ biển.
Nhà chức trách Tonga đã khuyến cáo người dân di chuyển tránh xa các khu vực ven biển hoặc nằm thấp hơn mực nước biển.
Trước nguy cơ từ tro bụi thoát ra sau vụ núi lửa phun trào, nhà chức trách cũng kêu gọi người dân ở trong nhà, đeo khẩu trang nếu phải đi ra ngoài, có biện pháp che chắn bảo vệ bể chứa nước sạch và hệ thống thu hoạch nước mưa.
Cảnh báo sóng thần đã được Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương phát đi cho lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ. Nhà chức trách New Zealand và Fiji cũng phát ra cảnh báo nguy cơ sóng thần.