Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Dân Thủ Thiêm luôn ủng hộ phát triển, chỉ không muốn bị trục lợi

Người dân Thủ Thiêm chưa bao giờ chống lại phát triển đô thị. Họ chỉ phẫn nộ khi mình là nạn nhân của một cơ chế đền bù bất công.

nguoi dan Thu Thiem anh 1

Dân Thủ Thiêm luôn ủng hộ phát triển, chỉ không muốn bị trục lợi

Người dân Thủ Thiêm chưa bao giờ chống lại phát triển đô thị. Họ chỉ phẫn nộ khi mình là nạn nhân của một cơ chế đền bù bất công.

nguoi dan Thu Thiem anh 2

nguoi dan Thu Thiem anh 3

Erik Harms

Giảng viên đại học Yale, Mỹ

    Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms đang công tác tại ngành Nhân học Văn hóa xã hội (Socio-Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ. Ông thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997. Cuốn sách mới đây của ông Luxury và Rubble (Xa hoa và Đổ nát), tập trung về sự phát triển của các khu đô thị mới ở TP.HCM.

Trong cuốn sách Luxury và Rubble (Xa hoa và Đổ nát), PGS.TS. Erik Harms đã dành một vài chương nói về những bất công trong việc di dời, giải tỏa người dân Thủ Thiêm. Với sự đồng ý của tác giả, Zing.vn trích đăng một phần. Tựa và tiêu đề  phụ do tòa soạn đặt.

Khi tôi nói chuyện với những người dân Thủ Thiêm vào năm 2014, họ chia sẻ đã bị ép phải nhận những khoản bồi thường không thỏa đáng.

Tôi đã ghi lại rất nhiều câu chuyện về tranh chấp diện tích đất đai, thủ tục giấy tờ và phân loại đất. Người dân ở đây trở nên vô cùng bức xúc và tức giận. Họ đã khiếu nại, lên tiếng, đấu tranh trong thời gian dài.

Dẫu cho phải đối mặt với nhiều khó khăn và sự bất đồng nghiêm trọng với nhà chức trách về cách mình bị đối xử, người dân dường như chỉ hướng tất cả sự tức giận tới những con số. Quan trọng hơn cả, họ cảm thấy mức độ bồi thường và diện tích đất được công nhận là “chưa thỏa đáng”. 

Không muốn hy sinh vô ích

Có một điều cần phải nói rõ: Hầu hết người dân mà tôi phỏng vấn ở Thủ Thiêm và khắp các quận TP.HCM đều không phản đối ý tưởng cốt lõi của dự án. Họ đều cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án đẹp và đáng được thực hiện.

Kể cả những cư dân phản đối mạnh mẽ nhất đều nói rằng sẵn sàng hy sinh vì sự phát triển của thành phố và đất nước - miễn là họ được đền bù thỏa đáng.

Bằng hành vi chống đối giải tỏa, họ không phê phán ý tưởng xây dựng một thành phố “văn minh, hiện đại, và nghĩa tình”. Người dân chủ yếu giận dữ trước cách mình bị đối xử trong suốt quá trình tiến hành dự án. Kể cả những cư dân phản đối mạnh mẽ nhất đều nói rằng sẵn sàng hy sinh vì sự phát triển của thành phố và đất nước - miễn là họ được đền bù thỏa đáng.

Những hộ dân này không muốn sự hy sinh của họ là vô ích, và họ cũng không bày tỏ một niềm tin mù quáng. Thay vào đó, họ gắn bản thân vào những giá trị mang tính cộng đồng hơn: Hy sinh cho thành phố, cho Việt Nam và cho tương lai.

Chính xác hơn, khi nói về sự hy sinh, người dân sẵn sàng hướng tới nỗ lực thực hiện chủ trương của nhà nước. Với niềm tự hào và tin tưởng mãnh liệt vào sự đoàn kết dân tộc, những con người này sẵn sàng chung tay góp sức xây dựng một thành phố hiện đại và văn minh. Họ chắc chắn không phản đối một thành phố toàn “người giàu”. Những gì họ muốn, thực chất, chỉ là những lời hứa hẹn trở thành sự thực.

Trong những câu chuyện bao hàm cả sự ngợi ca và giận dữ mà người dân chia sẻ, tôi nhận ra rằng để có cái nhìn toàn bộ về Thủ Thiêm, chúng ta phải hiểu được tại sao người dân lại không bằng lòng khi bị di dời nhưng vẫn ủng hộ những dự án hiện đại hóa.

Để diễn giải sự mâu thuẫn này, chúng ta phải hiểu được tầm quan trọng của tính chất “hoàn mỹ đến không tưởng” dự án nhắm tới và đặt nó trong bối cảnh.

Ai hưởng lợi nhiều nhất?

Trong các buổi phỏng vấn, trò chuyện với chúng tôi, công dân từ mọi tầng lớp xã hội đều ngợi ca tính hiện đại và thống nhất của dự án. Mặc dù có nhiều tranh luận về tính khả thi, không ai phản đối ý tưởng cốt lõi “xây dựng bộ mặt hiện đại cho thành phố” của dự án này.

Trong bối cảnh đó, những lời chỉ trích đã phản ánh nỗi hoài nghi của người dân Thủ Thiêm về sự phân bổ thiếu công bằng các thành quả từ việc đô thị hóa: Ai là người nhận được tiền bạc, đất cát, và nhận được bao nhiêu?

Trong những lần nói chuyện với tôi, cư dân thường đề cập đến sự chênh lệch giữa mức độ bồi thường và số tiền nhà đầu tư cam kết sẽ trả cho cùng mảnh đất đó.

Khi dự án đang dần được định hình, tính phức tạp trong việc quản lý đất đai, xây dựng, thiết kế, đầu tư nước ngoài, tái định cư, môi trường tạo ra một khung pháp lý phức tạp liên quan đến rất nhiều bộ ngành và các cơ quan chính phủ. Để điều phối quy trình này, ngày 1/1/2001, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Đầu tư, Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo quyết định, ban này do UBND TP.HCM trực tiếp quản lý và sẽ có con dấu riêng. Điều này đồng nghĩa với việc Ban Quản lý có thẩm quyền đưa ra những quyết định độc lập liên quan đến dự án.

Đây chính là điểm mà những bất đồng với người dân bắt đầu nảy sinh, trong quá trình di dời và đền bù giải tỏa. Cấu trúc cơ bản của dự án lệ thuộc vào việc Ban Quản lý mua đất rẻ từ dân và sau đó bán lại với giá cao cho nhà đầu tư; trong quá trình này, người dân không được quyền đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư.

Với cấu trúc mua rẻ đất của dân rồi bán lại cho nhà đầu tư với giá hời, khi người dân nhận ra giá đất chỉ tăng vọt sau khi mình bị di dời, cơn phẫn nộ của họ càng khó được kiểm soát hơn.

Người dân bắt đầu hiểu ra tính logic của Dự án Thủ Thiêm dựa trên việc định giá thấp đất của họ, và dự án sẽ không thể tiếp tục nếu người dân không đồng tình với giá đền bù. Nhận thấy giá đất còn có thể lên cao, người dân cũng biết nếu họ chậm di dời hơn một chút, cơ hội kiếm lời sẽ càng cao hơn.

Và quả thực, nhằm muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý đã điều chỉnh mức giá đền bù ít nhất 2 lần: từ 2,38 triệu/m2 đối với đất định cư vào năm 2002 tăng lên 6,38 triệu/m2 vào năm 2006 và 3 năm sau là 18,4 triệu/m2. Điều này cũng cho thấy người dân Thủ Thiêm hoàn toàn có khả năng thương thuyết mức đền bù.

Thế nhưng, có một phát sinh khác của dự án khiến cho thời gian, công sức bám trụ của người dân hầu như đổ sông đổ biển. Khi Dự án Thủ Thiêm được triển khai, các khu đất xung quanh trở nên béo bở cho nhiều dự án bất động sản và cả giới đầu cơ. Điều này đã đẩy giá đất tăng vụt, và khiến cho cư dân Thủ Thiêm càng khó tìm được nhà. Họ buộc phải đòi hỏi mức giá đền bù cao hơn.

Tuy nhiên, đối với cư dân Dự án Thủ Thiêm, đó đã là điều không thể. Với cấu trúc mua rẻ đất của dân rồi bán lại cho nhà đầu tư với giá hời, khi người dân nhận ra giá đất chỉ tăng vọt sau khi mình bị di dời, cơn phẫn nộ của họ càng khó được kiểm soát hơn.

Từ góc nhìn của những người hoạch định dự án, những cư dân Thủ Thiêm đó nhanh chóng trở thành nguồn cơn gây ra bất ổn đối với một tiến trình được coi là hợp lý, thỏa đáng. Thế nhưng, vấn đề gốc rễ ở đây là với cấu trúc luôn tạo ra bất công tiềm ẩn, những bất mãn và bất ổn đó đã định hình những rủi ro của Dự án Thủ Thiêm.

Về cơ bản, người dân Thủ Thiêm chưa bao giờ chống lại phát triển đô thị. Họ chỉ phẫn nộ khi không nhận được phần đền bù thoả đáng cho những hy sinh mà mình được hô hào chấp nhận đánh đổi.

nguoi dan Thu Thiem anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.


Biên dịch: Ngọc Linh - Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm