Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân thiệt vì vàng giảm giá

Chỉ trong 3- 4 ngày từ khi thông tin đấu thầu giá vàng được đưa ra thị trường, vàng đã giảm tới trên 2 triệu đồng/lượng.

Dân thiệt vì vàng giảm giá

Chỉ trong 3- 4 ngày từ khi thông tin đấu thầu giá vàng được đưa ra thị trường, vàng đã giảm tới trên 2 triệu đồng/lượng.

Trên thực tế, những rủi ro giữ vàng khi giá vàng trong nước luôn giữ khoảng cách quá lớn so với vàng thế giới đã được cảnh báo rất nhiều lần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Đến lúc này, những cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Nếu nhìn vào các yếu tố hiện tại có thể thấy, một lần nữa người dân lại bị ép giá.

 
Nếu tính từ ngày "thần tài", ngày người dân đổ xô đi mua vàng cầu may, người mua vàng đã mất khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Chủ trương tạm nhập tái xuất vàng để đẩy nhanh quá trình dập vàng miếng SJC cung cấp cho thị trường giúp các ngân hàng (NH) tham gia tạm nhập vàng khối sau đó sẽ được xuất ra một lượng vàng phi SJC tương ứng. Câu hỏi đặt ra là, vàng phi SJC mà các NH tái xuất là của ai khi theo quy định hiện hành, trạng thái vàng của các NH chỉ được duy trì không quá 2% vốn chủ sở hữu.

Thế nhưng, thực tế thì lượng vàng được phép xuất - nhập của các NH này là rất lớn. Đơn cử như NH Đông Á được ủy thác tạm nhập tái xuất tối đa 5,5 tấn vàng, tương đương với 145.503 lượng (1 kg vàng bằng 26,455 lượng). Nếu tính theo giá vàng ngày hôm qua khoảng 43 triệu/lượng, tổng trị giá số vàng này là 6.256 tỷ đồng. Chiếu theo quy định về trạng thái vàng không quá 2% như nói trên, số vàng này không thể là của NH Đông Á.

Hay như NH thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được tạm nhập tái xuất 3,5 tấn vàng, tương đương gần 4.000 tỷ đồng trong khi vốn tự có của NH này khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu tính đúng tỷ lệ trạng thái thì số vàng NH này được quyền nắm giữ chỉ tương đương giá trị 200 tỷ đồng (2% trên vốn chủ sở hữu). Vậy làm thế nào họ lại có được 3,5 tấn vàng, tương đương với 4.000 tỷ đồng để xuất đi tương ứng với số vàng được nhập về?

" Các ngân hàng thương mại (NHTM) trước đây huy động vàng đều đã chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay lấy lãi cao nên giờ muốn có vàng trả lại, buộc phải mua vào. Mà mua giá cao thì thiệt nên họ phải tìm cách mua giá thấp, tránh bị lỗ ".

"Làm giá” để mua rẻ

Trong khi câu hỏi về nguồn vàng của các NH đang được đặt ra thì cách đây 2 ngày, tại lễ ký kết hợp đồng gia công vàng miếng giữa NHNN với công ty SJC, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, đến thời điểm này, vẫn còn 10 NH chưa hoàn tất việc tất toán (chấm dứt huy động, trả vàng về cho người gửi) do còn thiếu hụt thanh khoản. Cộng với nghi án nguồn vàng như phân tích ở trên có thể nói vàng mà các NH sẽ tái xuất chủ yếu là vàng của người dân gửi và các NH khi tạm nhập vàng khối về để dập ra vàng miếng SJC sẽ được sử dụng trả lại cho người gửi.

Thế nhưng, các NHTM trước đây huy động vàng đều đã chuyển đổi sang tiền đồng để cho vay lấy lãi cao nên giờ muốn có vàng trả lại, buộc phải mua vào. Mà mua giá cao thì thiệt nên phải tìm cách mua giá thấp, tránh bị lỗ. Chiêu "tạm nhập" để dập vàng bán giá thấp đồng thời tiếp tục mua vàng của người dân bán ra trước những chính sách kéo giá vàng... đã giải quyết cho các NH mua được vàng giá thấp. Đó cũng chính là nguyên nhân chủ yếu của việc giá vàng lao dốc hiện nay. Cũng chính vì để tạm nhập tái xuất, nhu cầu ngoại tệ tạm thời tăng cao đẩy một số NHTM đến việc tích trữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những lý do tỷ giá vừa rồi "bỗng dưng" bị đẩy lên cho dù nguồn USD đang dồi dào.

Nói cho dễ hiểu thì nếu 1 tháng trước, 1 NH huy động của người dân 1 tấn vàng rồi bán lấy tiền đồng cho vay. NH này "xin" tạm nhập vàng với lý do, sẽ tái xuất 1 tấn trong tương lai và được NHNN chấp thuận. Họ nhập khẩu về 1 tấn vàng, dập bán cho người dân với giá giảm và rồi từ từ mua vào giá thấp. Cách này là bán ra tay phải, gom vào tay trái (tâm lý làm người dân bán ra nhiều). Tay trái thu mua nhiều hơn và mua được 2 tấn. Dùng 2 tấn này, trả cho người gửi 1 tấn và tái xuất 1 tấn mà mình đã tạm nhập. “Kịch bản” này hoàn toàn có tính thuyết phục, bởi nếu các NH có sẵn vàng phi SJC, tại sao không xuất trước nhập sau để tránh tác động đến tỷ giá? Đó là chưa kể, giá vàng thế giới đang xu hướng giảm, vì lý do gì lại phải nhập giá cao và sau này có thể xuất giá thấp?

Mập mờ có chủ ý

Theo NHNN, hôm nay 1/3 sẽ đấu giá lô vàng đầu tiên. Nhưng vàng này ở đâu ra thì không thấy ai nói đến (tuy vậy, nếu NHNN đứng ra làm "nhà cái" thì nhiều người sẽ hiểu đó là vàng dự trữ quốc gia).

Cùng với thông tin trên là việc ký kết giữa NHNN với công ty SJC cách đây 2 ngày nhằm hợp thức hóa việc công ty SJC sẽ gia công vàng miếng cho NHNN. Thực chất, đây chỉ là hoạt động bình thường vì việc sản xuất vàng miếng phải được nhà nước quản lý mà đại diện là NHNN. Trên thực tế, từ ngày quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, NHNN đã giám sát quá trình dập vàng miếng tại xưởng sản xuất của SJC, vàng sản xuất ra là lượng vàng của các đơn vị kinh doanh vàng. Sản xuất gia công bao nhiêu bàn giao cho bên kinh doanh bấy nhiêu.

Lượng vàng tạm nhập 11,5 tấn của 4 NHTM được phép tham gia tạm nhập tái xuất hiện cũng sẽ được dập ra vàng SJC. Hiểu đơn giản là, việc NHNN ký hợp tác với SJC để dập vàng miếng và chỉ là hợp pháp hóa hoạt động đã và đang diễn ra. Nhưng những thông tin thiếu minh bạch, thời điểm trùng lắp khiến cho thị trường có cảm giác, một nguồn cung khổng lồ đang ập đến và giá vàng lao dốc. Trong khi vàng tạm nhập thì sẽ tái xuất, năng lực dập không thay đổi, nhu cầu thị trường vẫn thế...

Kết quả cuối cùng là người mua vàng đã bị thiệt.

Giá vàng giảm về 43 triệu đồng/lượng

Ngày 28/2, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm mạnh từ 280.000 - 700.000 đồng/lượng so với ngày 27/2, giá mua bán vàng còn 43,18 - 43,3 triệu đồng/lượng. Trong phiên giao dịch buổi sáng, giá mua bán vàng miếng SJC giảm sâu xuống 42,75 - 43 triệu đồng/lượng nhưng thị trường xuất hiện lực mua từ phía người dân nên giá tăng lên lại sau đó và giữ giá đến suốt buổi chiều. Giá vàng tại các ngân hàng ngày 28/2 ít biến động và không dẫn dắt giá thị trường như ngày 27/2. Một số ngân hàng đưa ra giá mua thấp hơn giá thị trường từ 20.000 - 40.000 đồng/lượng, chẳng hạn như giá mua vàng tại Sacombank 43,15 triệu đồng/lượng, TienphongBank là 43,16 triệu đồng/lượng... Độ chênh giữa vàng trong nước và thế giới được rút ngắn còn 2,9 triệu đồng/lượng.

Giá USD trong hệ thống ngân hàng ngày 28/2 tiếp tục tăng thêm 10 - 20 đồng/USD so với ngày 27/2, chạm mức 21.000 đồng/USD.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm