Kể từ khi giá thịt lợn tăng lên mức kỷ lục 200 baht (6 USD)/kg, điện thoại đặt hàng thịt cá sấu của Wichai Rungtaweechai không ngừng reo. Mỗi kg thịt cá sấu có giá khoảng 2 USD, rẻ hơn nhiều so với thịt lợn, theo South China Morning Post.
Wichai (65 tuổi) - chủ trang trại nuôi hơn 10.000 con bò sát ở Nakhon Pathom, cách Bangkok một giờ lái xe - nói: “Đơn hàng đến từ khắp nơi trên cả nước”.
Hồ nuôi cá sấu trong trang trại của ông Wichai Rungtaweechai. Ảnh: Kobboon Chatrakrisaeree. |
“Ban đầu tôi không biết làm thế nào để xử lý nhu cầu. Nhà hàng và tiểu thương đặt hàng lượng lớn, trong khi khách muốn ăn thử thịt cá sấu thì đặt mang về nhà tự nấu”, ông nói.
Theo ông Wichai, khủng hoảng thịt lợn ở Thái Lan là lý do nhu cầu thịt cá sấu tăng vọt.
Khủng hoảng thịt lợn
Sau nhiều tháng phủ nhận, cuối cùng các nhà chức trách Thái Lan đã xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước này.
Căn bệnh đã giết chết hàng triệu con lợn ở châu Âu và châu Á trong vài năm qua, gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá trên diện rộng.
Thái Lan đã tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn để kiểm soát dịch bệnh, trong khi Đài Loan và Campuchia cấm nhập khẩu lợn Thái Lan.
Sự bùng phát của dịch tả lợn đã ảnh hưởng đến nguồn cung loại thực phẩm này ngay trước Tết Nguyên đán, khi khu cầu thịt lợn cho các món ăn truyền thống tăng cao, khiến giá lợn leo thang.
Để kéo giá trở lại, Thái Lan hôm 6/1 đã ra lệnh ngừng xuất khẩu lợn trong ba tháng. Năm ngoái, nước này đã bán 1 triệu con lợn ra nước ngoài.
Nhiều người Thái đang dùng thịt cá sấu để thay thế cho thịt lợn trong các món ăn truyền thống. Ảnh: Kobboon Chatrakrisaeree. |
Năm 2021, Thái Lan nuôi 18 triệu con lợn thịt và lợn con để tiêu thụ trong nước. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thậm chí còn cho biết nước này có rất nhiều lợn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, hôm 17/1, ông cho rằng giá lợn đang bị thao túng khi Tết Nguyên đán đến gần.
“Dịch chưa lan rộng khắp cả nước - chỉ 20% số lợn bị chết - vậy tại sao chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt này? Liệu có người đang cố gắng can thiệp vào chuỗi cung ứng hay không?", ông đặt nghi vấn.
Sẵn sàng thay thịt lợn bằng thịt cá sấu
Bình thường, hầu hết người Thái đều cảm thấy khó chịu khi nghĩ đến việc ăn cá sấu.
Wichai - từng kinh doanh chủ yếu da và huyết cá sấu (để làm thực phẩm chức năng), đã phải kêu gọi sự hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến.
“Tôi đang nhờ những người chăn nuôi khác giúp đỡ. Tôi cần 500 kg để cung cấp cho khách hàng và tôi không thể làm điều đó một mình”, ông nói.
Tại nhà hàng cách trang trại vài km, vợ ông Utaiporn đã chế biến các món ăn kinh điển của Thái Lan từ pad ka-prao (cơm thịt xào lá hương nhu) và tom sap (canh chua cay), bằng thịt cá sấu để thay cho thịt lợn.
“Thịt cá sấu khó nấu hơn thịt gà hoặc thịt lợn, và nếu không biết nấu đúng cách, món ăn sẽ có vị hơi tanh”, Utaiporn nói.
Ông Wichai làm món cá sấu nướng sa tế. Ảnh: Kobboon Chatrakrisaeree. |
Ngoài thịt lợn, hàng hóa cơ bản - như dầu, trứng - ở Thái Lan cũng đang đối mặt với vấn đề lạm phát. Các mặt hàng này đã tăng giá kể từ đầu năm, gây áp lực lên người dân vốn đã chịu tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19.
Ngày 18/1, nội các Thái Lan đã thông qua khoản tài trợ 42 triệu USD để giúp bình ổn giá hàng hóa trong 3 tháng tới nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Đối với những người bán cá sấu ở Thái Lan, cơ hội bất ngờ đang giúp bù đắp cho hai năm kinh doanh thua lỗ.
Trang trại Hia Sak, cũng ở Nakhon Pathom, đã tìm cách quảng bá thịt cá sấu của họ trên mạng xã hội.
Trang trại thường xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan, nhưng Covid-19 đã đè bẹp hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Những thay đổi trên trang Facebook của trang trại cho thấy dấu hiệu lạc quan. Thậm chí, có khách hàng đăng bài cám ơn trang trại vì đã gửi một con cá sấu đến tỉnh Mae Hong Son, cách đó gần 900 km.
Thêm gia vị vào món bún với thịt cá sấu, khách hàng 52 tuổi Sarawut Charoenwatsasuk cho biết ông đã mê món thịt này khi chỉ vừa thử nó lần đầu cách đó một ngày.
“Tôi sẵn sàng sử dụng thịt cá sấu thay thế thịt lợn nếu giá tiếp tục tăng”, ông nói.