Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đàn tế nghìn năm dưới Nhà Quốc hội là độc nhất vô nhị'

"Đây là khối kiến trúc đặc thù, chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia nào, ngay cả ở những nước thuộc cùng hệ thống văn hóa với Việt Nam", giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ.

Cận cảnh đàn tế nghìn năm dưới Nhà Quốc hội

Sau khi scan 3D, chụp ảnh, đo đạc... toàn bộ để xây dựng hồ sơ khoa học, di tích đàn tế nghìn năm đã được lấp cát tạm thời nhằm bảo vệ nguyên trạng.

Trao đổi với phóng viên về Di tích đàn tế Trời – Đất có niên đại 1.000 năm vừa phát lộ ở trung tâm Hoàng thành, giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) khẳng định, di tích đàn tế nghìn năm vừa phát lộ là độc nhất vô nhị trên thế giới.

- Giáo sư có thể cho biết về quá trình phát lộ di tích độc đáo này?

- Theo luật Di sản, ban đầu khu vực này khai quật với mục đích để giải phóng mặt bằng nhằm xây dựng hầm ngầm để xe của Nhà Quốc hội. Trong quá trình khai quật các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những di tích rất quan trọng. Như dấu tích cư trú của con người ở đầu thời kỳ Bắc thuộc, giếng thời kỳ Đại La, …

Trong số các di tích phát hiện ở đây có một di tích vô cùng đặc biệt mà chúng tôi đã kiến nghị tạm gọi là Đàn tế Trời - Đất. Di tích này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, ở giữa có trụ rất lớn, kê trên một hòn đá, ở xung quanh có hai vòng tròn đồng tâm và hai bên là hai khối kiến trúc tương tự nhưng nhỏ hơn. 

Lúc phát hiện ra qua trao đổi với các chuyên gia chúng tôi thấy đây là một kiến trúc rất kỳ lạ. Tôi phải nhấn mạnh đó rất kỳ lạ.

GS Phan Huy Le khẳng định di tích đàn tế là di tích độc nhất vô nhị. Ảnh: Công Khanh
GS Phan Huy Lê khẳng định đàn tế vừa phát lộ là di tích độc nhất vô nhị. Ảnh: Công Khanh.

- Việc tìm hiểu về di tích đàn tế được tiến hành ra sao?

- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội đã tổ chức Hội thảo quốc tế mời các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam tới trao đổi. 

Tất cả các chuyên gia đều nhất trí đó là kiến trúc để tế trời đất, nhằm ý nghĩa về văn hóa tâm linh, để cúng tế. Kiến trúc văn hóa tâm linh rất sâu sắc, gắn liền với việc dời đô của nhà Lý từ Hoa Lư về Thăng Long, gắn liền với tâm linh, cầu mong quốc thái, dân an, với trường tồn của vương triều. 

Tôi đặc biệt nhấn mạnh sự độc đáo của kiến trúc. Đây là một khối kiến trúc đặc thù, chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia nào, ngay cả ở những quốc gia thuộc cùng hệ thống văn hóa với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Có thể nói đây là di tích đàn tế độc nhất vô nhị trên thế giới.

Di tích tâm linh độc nhất vô nhị trên thế giới. Ảnh: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Di tích tâm linh độc nhất vô nhị trên thế giới. Ảnh: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của đàn tế nghìn năm?

- Các nhà khoa học đã xác định được rằng khối kiến trúc này được xây dựng vào đầu thời Lý, trước cả khi nhà Lý xây dựng Đàn Xã Tắc (vào năm 1048). Đàn Tế Trời mang ý nghĩa linh thiêng bậc nhất của kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ đầu thế kỷ XI khi Lý Thái Tổ mới định đô.

Di tích đã bổ sung thêm những dữ liệu quan trọng về khoa học lịch sử vương triều nhà Lý – triều đại chính thức đặt đô tại Thăng Long, mở ra giai đoạn 1000 năm xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Hiện di tích nằm ở khu vực hầm của Nhà Quốc hội, vậy phương án bảo tồn tiến hành ra sao?

- Ngay sau khi phát hiện di tích, các nhà khảo cổ học đã báo cáo với Chính phủ. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã 3 lần trực tiếp đến xem xét và quyết định dành 500 m2 khu tầng hầm tòa nhà Quốc hội – nơi phát hiện di chỉ để bảo tồn nguyên vẹn.

Thủ tướng cũng giao các nhà khoa học lịch sử tiếp tục nghiên cứu. Khu vực bãi đỗ xe của tòa nhà sẽ được bố trí ra nơi khác để đảm bảo tính nguyên vẹn của di tích linh thiêng bậc nhất của kinh thành Thăng Long - Hà Nội này.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, sau khi di tích đàn tế phát lộ, ông và nhiều chuyên gia đã tới tận nơi và nhận thấy đây là một kiến trúc có hình thù rất lạ. Kiến trúc có một trụ để vật thể ở trên có thể xoay tròn và được kè bằng những tấm gỗ lim lớn. Quan sát ở khu vực di tích có cả dấu vết của sự ma sát, có cháy ở đây. 

"Mọi người rất ngạc nhiên vì nó quá mới mẻ. Lúc đầu các ông thầy và những đồng nghiệp của tôi cũng không biết nó là gì để định danh, định vị”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Theo ông, đã có nhà khoa học giả định đây là trụ của đèn quảng chiếu từ thời Lý, được tổ chức vào lễ hội tôn giáo gọi là lễ hội đèn Quảng Chiếu. Nhưng sau đó lại có giả thuyết cho là Minh Đường, một kiến trúc nằm trong thiết chế kiến trúc tôn giáo của cung đình. 

Mãi gần đây, sau khi tham khảo ý kiến tư vấn của bạn bè nước ngoài cũng như qua nghiên cứu đối sánh, các nhà khảo cổ học mới thống nhất gọi kiến trúc này là một đàn tế trời, đất. Ông cho rằng, sắp tới, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu về quy mô, kiến trúc, mỹ thuật... để hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích.

"Có thể chúng ta chưa hiểu biết sâu sắc về di tích này, nhưng việc bảo tồn là rất cần thiết. Tôi rất mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã tới tận nơi chỉ đạo và quyết định giữ lại", ông nói.

Chia sẻ với giáo sư Phan Huy Lê về quan điểm bảo tồn di tích, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tốt nhất là để lòng đất giữ gìn đàn tế như đã giữ gìn hàng ngàn năm nay. "Điều này cũng giống như một phần không gian của Hoàng thành hiện lưu trữ dưới mặt đất", nhà sử học cho hay.

Đàn tế nghìn năm phát lộ dưới Nhà Quốc hội hiện đại

Trong khi xây dựng hầm tòa Nhà Quốc hội, các chuyên gia khảo cổ học phát hiện di tích tế lễ Trời - Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, di tích chưa từng có trên thế giới.

Công Khanh - Nguyễn Hưng thực hiện

Bạn có thể quan tâm