Đó là con số do tổng cục Thống kê công bố sáng 17/12 tại hội nghị kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số lao động, trong 5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm trên 4,6 triệu người.
Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam tăng trên 929.000 dân. Tỷ suất tăng dân số trung bình giai đoạn 2009-2014 đạt 1,06% / năm, thấp hơn giai đoạn 1999-2009 là 1,2% / năm. Song, tổng tỷ suất sinh trên mỗi phụ nữ vẫn là 2,09 trẻ em.
3 tình, thành có số dân đông nhất nước lần lượt là: TP.HCM, Hà Nội và Thanh Hóa. Ảnh chụp một khoảnh khắc kẹt xe trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TP.HCM) ngày 7/11/2014. |
Tổng cục Thống kê cũng công bố cụ thể dân số ba tỉnh, thành lớn nhất nước.
Theo đó, TP.HCM có dân số đông nhất nước, đạt 7,955 triệu người. Hà Nội đứng thứ hai với 7,067 triệu, Thanh Hóa đứng thứ ba với 3,491 triệu.
Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam khá nhanh, có 33,1% dân số Việt Nam đang sinh sống tại khu vực thành thị, tăng khoảng 3,3%/năm.
Lý do được Tổng cục Thống kê nêu là do quá trình di cư và việc đô thị hóa đã biến nhiều khu vực nông thôn thành những khu đô thị mới. Hiện còn 66,9% dân số sống ở nông thôn.
Đặc biệt, sự mất cân đối nam nữ ở Việt Nam đã tăng khá nhanh. Đến nay, tỷ suất giới tính đã là 112,2 bé trai trên 100 bé gái (cao hơn mức năm 2009 là 110,5 bé trai trên 100 bé gái).
Về nhà ở, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê nêu 46,6% hộ gia đình đã được sống trong nhà kiên cố, chỉ 3,7% sống trong nhà đơn sơ. Diện tích ở bình quân đầu người cả nước là 20,6m2.