Sáng 4/1, tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, đại diện Viện Chính sách công và Quản lý cho biết Việt Nam đã đạt được mức sinh thấp một cách vững chắc. Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân.
Thông tin về Tổng quan cơ cấu dân số Việt Nam, cơ hội vượt bẫy thu nhập trung bình và những vấn đề đặt ra đối với chính sách dân số của Việt Nam trong thời gian tới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết Việt Nam đã đạt được mức sinh thấp một cách vững chắc vì người dân được tuyên truyền đã nhận thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ; hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hình thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu của dân.
Năm 2025, cả nước có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu vào giữa thế kỷ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại. Năm 2025, cả nước có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu vào giữa thế kỷ. Dân số đông là thị trường lớn hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng.
Ông Long cho rằng Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa và sớm trở thành nước có dân số già. Bên cạnh đó, “cơ hội dân số vàng” mang lại cả cơ hội nhờ lực lượng dân số trong độ tuổi lao động nhưng cũng là thách thức về nâng cao chất lượng nguồn lực, tạo việc làm có năng suất, thu nhập cao.
“Muốn thay đổi GDP bình quân đầu người phải thay đổi năng suất và đồng thời mức độ thâm dụng lao động. Lực lượng lao động Việt Nam hiện xấp xỉ 58 triệu người nhưng tốc độ tăng năng suất thấp. Nếu bây giờ tăng năng suất của nhóm 58 triệu người thì hoàn toàn có thể áp dụng bài học của Hàn Quốc để thay đổi. Bây giờ thay đổi như thế nào? Lĩnh vực gì? cần có tính toán rõ ràng”, ông Long khẳng định.