Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân số và thu nhập bình quân đều tăng 10 lần sau hai thế kỷ

Dân số thế giới đã tăng từ khoảng 600 triệu vào năm 1700 lên hơn 7,5 tỷ người vào năm 2020.

Dân số thế giới và thu nhập bình quân: Giới hạn của sự tăng trưởng

Để nhận thức được phạm vi của những biến đổi lịch sử liên quan, ta nên nhớ rằng dân số loài người và thu nhập bình quân đều tăng hơn 10 lần kể từ thế kỷ 18. Dân số thế giới đã tăng từ khoảng 600 triệu vào năm 1700 lên hơn 7,5 tỷ người vào năm 2020, trong khi thu nhập bình quân, được đo lường trên cơ sở dữ liệu lịch sử không hoàn hảo có sẵn về tiền lương và tiền công, sản xuất và giá cả, đã tăng từ sức mua trung bình (được biểu thị bằng euro năm 2020) chưa đến 100 euro/tháng/cư dân trên hành tinh vào thế kỷ 18 lên khoảng 1.000 euro/tháng/cư dân vào đầu thế kỷ 21.

Dan so anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Cần lưu ý rằng tiến trình lịch sử của thu nhập bình quân chỉ thực sự có ý nghĩa bắt đầu từ khoảng 30 năm cuối của thế kỷ 19 và đặc biệt là trong suốt thế kỷ 20. Theo các nguồn tư liệu hiện có, xem ra sự phát triển sức mua trong thế kỷ 18 và hầu hết thế kỷ 19 là không đáng kể, hoặc thậm chí đôi khi còn có giá trị âm (ví dụ như tiền lương nông nghiệp trong nghiên cứu của Labrousse về nước Pháp trước cách mạng). Dân số thế giới đã tăng đều trong ba thế kỷ qua, nhưng cũng tăng nhanh trong thế kỷ 20.

Liệu ta có thể gọi những mức tăng gấp 10 lần này là sự tiến bộ nhân sinh hay không? Việc giải thích những biến đổi này trong thực tế phức tạp hơn nhiều so với y tế và giáo dục. Tất nhiên, sự tăng trưởng ngoạn mục của dân số thế giới phản ánh sự cải thiện thực sự về điều kiện sống của các cá nhân, đặc biệt là nhờ những tiến bộ trong nông nghiệp và cung cấp lương thực đã giúp chúng ta thoát khỏi chu kỳ quá tải dân số và đói ăn thiếu mặc.

Nó cũng bắt nguồn từ việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và từ thực tế là ngày càng có nhiều cha mẹ có thể già đi với con đàn cháu đống vây quanh, điều này không phải là không đáng kể. Nhưng đáng tiếc thay, ở cấp độ tập thể, mọi thứ đều chỉ ra rằng về lâu dài, sự gia tăng dân số theo cấp số nhân như vậy là không bền vững đối với hành tinh.

Nếu tình trạng tăng trưởng nhân khẩu trong ba thế kỷ qua vẫn tiếp tục trong tương lai, thì chúng ta sẽ có hơn 70 tỷ người vào năm 2300 và 7.000 tỷ người vào năm 3000, nghe chừng không hợp lý và cũng chẳng đáng mong đợi.

Cũng cần lưu ý rằng việc tăng 10 lần dân số thế giới trong khoảng thời gian từ 1700 đến 2020 tương ứng với tỷ lệ tăng dân số trung bình chỉ khoảng 0,8% mỗi năm, mặc dù đã được tích lũy trong hơn 300 năm. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng có gì đó hoàn toàn điên rồ với cái ý tưởng về sự tăng trưởng vĩnh viễn và một chiều, kéo dài vô tận trong hàng nghìn và hàng triệu năm, và trong mọi trường hợp, nó không thể tạo thành một mục tiêu hợp lý cho sự tiến bộ của loài người.

Trong trường hợp này, khi cân nhắc đến sự suy giảm tỷ lệ sinh quan sát được, có vẻ như tốc độ tăng dân số sẽ giảm mạnh trong thế kỷ 21. Hơn nữa, nếu chúng ta tin vào kịch bản chính của các dự báo từ Liên Hợp Quốc (UN), mà tại thời điểm này rất không chắc chắn, dân số thế giới có thể ổn định ở khoảng 11 tỷ người từ nay đến cuối thế kỷ.

Thomas Piketty/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY