Thể loại: Kinh dị, giật gân
Đạo diễn: Lê Văn Kiệt
Diễn viên: Lâm Thanh Mỹ, Quang Tuấn, Mai Cát Vi, Diệu Nhi
Đánh giá: 6,5/10
Bóng đè là phim điện ảnh mới của đạo diễn Lê Văn Kiệt, được quay từ năm 2020 nhưng do đại dịch nên đến giờ mới ra mắt. Nhà làm phim nổi tiếng với Hai Phượng (2019), nhưng trước đó đã ghi dấu ở dòng rùng rợn, kinh dị. Lê Văn Kiệt từng thực hiện Ngôi nhà trong hẻm (2012) cùng hai phim bị cấm chiếu ở Việt Nam là Rừng xác sống, Bẫy cấp ba.
Phim mới của anh xoay quanh hiện tượng bóng đè, trải nghiệm khi con người cảm thấy như bị liệt, dù tỉnh táo mà không thể cử động được. Nhiều người từng trải qua hiện tượng này và tường thuật mức độ nặng nhẹ khác nhau, có khi giống như bị ma quỷ đè.
Quang Tuấn tái xuất màn ảnh trong vai người bố một mình nuôi con. |
Phim xoay quanh Thành (Quang Tuấn) cùng hai con gái là Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) chuyển đến một căn nhà cổ ở quê. Người vợ (Lê Bê La) đã mất từ trước, để lại chồng gà trống nuôi con. Ba cha con hy vọng về một cuộc sống mới nơi vùng quê yên tĩnh.
Trái ngược cảm giác bình yên ban đầu, cuộc sống gia đình bị xáo động khi hai đứa trẻ gặp nhiều hiện tượng kỳ lạ. Linh chứng kiến những bóng người thoắt ẩn thoắt hiện trong nhà. Còn Yến liên tục gặp ác mộng đến mức căng thẳng thần kinh. Cô em gái còn mắc chứng mộng du, đi lại giữa đêm khuya. Lo lắng cho con, người bố cậy nhờ một chuyên gia tâm lý tên Hạnh (Diệu Nhi) đến giúp. Song, hai cô bé dần nghi ngờ hành tung của người phụ nữ này.
Sự đầu tư về yếu tố kinh dị
Khoảng một phần ba đầu, đạo diễn Lê Văn Kiệt cho thấy sự chắc tay trong những pha dàn dựng. Bối cảnh một ngôi nhà cổ ở miền Trung Việt Nam với nhiều ngóc ngách và phòng được khai thác tốt để tạo ra nỗi sợ tiềm ẩn. Căn nhà này luôn có vẻ quá rộng so với điều kiện sống của nhân vật, mang đến những khoảng trống mênh mang khơi gợi trí tò mò của khán giả. Nỗi sợ cũng tăng lên khi hai nhân vật bị hù dọa là những bé gái ít khả năng kháng cự.
Khi Linh di chuyển trong nhà, cô bé luôn cảm thấy có những người khác ở xung quanh. Có lúc cô nghe thấy tiếng la hét, trêu đùa, có lúc là các bóng người này xẹt qua lại. Phần âm thanh được xử lý hiệu quả để tăng cảm giác cho các cú jumpscare của phim.
Nhân vật của Cát Vi nhiều lần gặp ác mộng. |
Đạo diễn cũng biết cách dẫn dắt người xem vào những nhịp nghỉ để tạo ra sự rùng rợn. Có lúc, khán giả sẽ hồi hộp với môi trường xung quanh, sợ hãi những gì có thể xảy ra trong khoảng lặng của nhân vật. Một cảnh quay đạt hiệu ứng tốt là khi Linh lạc trong mớ quần áo ngoài sân, còn thế lực bí ẩn như chực chờ tấn công cô từ bất kỳ hướng nào.
Còn câu chuyện bóng đè được thể hiện rõ hơn ở nhân vật Yến. Cô bé liên tục gặp một số cơn ác mộng, có lúc thức tỉnh tâm trí nhưng không thể cử động chân tay. Dường như có những thế lực quỷ dị chèn lên người Yến mỗi khi ngủ. Trong mơ, cô bé thấy một số điều dường như hé lộ bí mật nào đó về quá khứ. Lúc này, bộ phim giống như dọn ra một bàn ăn hấp dẫn với nhiều món hứa hẹn về sau.
Điểm yếu quen thuộc về kịch bản
Tuy nhiên, thành công bước đầu của phim đã không được duy trì vì nhược điểm lớn trong cách khai thác câu chuyện. Đến khi Hạnh xuất hiện, mạch phim vẫn còn hấp dẫn nhờ vẻ nửa chính nửa tà ở người phụ nữ này. Song, một bí mật được tiết lộ ở lưng chừng phim đã đánh mất hết sự bí ẩn ban đầu. Câu chuyện bị đẩy vào một hướng hoàn toàn khác, có phần phi lý và mang nhiều sự chủ quan của tác giả kịch bản hơn là phù hợp với tình tiết trước đó.
Kịch bản phim tiếp tục chệch hướng khi không phát triển tiếp theo ý tưởng này, mà lại đưa thêm cú twist để nói về vấn đề khác. Sự thiếu thống nhất giữa ba hướng đi chính của phim khiến tác phẩm trở nên rời rạc. Ở nhiều tình tiết, diễn biến giữa phim giống như hoàn toàn bị bỏ quên trong câu chuyện. Thật đáng tiếc khi đạo diễn Lê Văn Kiệt muốn ôm đồm nhiều tình tiết vào phim, thay vì khai thác triệt để ý tưởng về “bóng đè”. Một chút tâm linh, một chút thuyết âm mưu, một chút ý tưởng về rối loạn tâm lý được đưa vào mà không được giải quyết thấu đáo. Câu chuyện Bóng đè trở nên rời rạc, còn cách giải quyết nút thắt lại quá hiền lành và cầu toàn.
Nhân vật của Diệu Nhi nhạt nhòa trong Bóng đè. |
Nhân vật của Diệu Nhi là mắt xích yếu nhất trong đường dây kịch bản. Khi tham gia Bóng đè, nữ diễn viên hẳn muốn tìm một vai diễn độc đáo, khác hình tượng hài quen thuộc. Trong một số cảnh đầu, cô khá thành công khi mang đến sự bí ẩn cho nhân vật Hạnh. Nhưng từ sau cú twist giữa phim, vai này bỗng trở nên lạc lõng với toàn bộ câu chuyện. Khán giả khó hiểu mục đích của cô ta, chưa kể vai trò nhân vật mờ nhạt ở hồi kết. Diễn xuất của Diệu Nhi về cuối cũng khá mờ nhạt, có thể vì chính cô lúng túng trong việc hiểu nhân vật.
Đối với Quang Tuấn, Bóng đè là cơ hội cho anh quay lại dòng phim kinh dị, giật gân sở trường. Dù vậy, điều này trở thành lực cản khi khán giả đã yêu thích anh qua Thất sơn tâm linh, Bằng chứng vô hình dễ nhận ra sự tương đồng trong nét diễn. Không phủ nhận nam diễn viên có gương mặt hợp vai, dễ biến đổi sang cả nét hiền lành và hung dữ, nhưng anh cần thêm những chấm phá mới cho kiểu vai này. Một số lời thoại của nhân vật Thành lại bị cứng nhắc, thiếu đi sự tự nhiên.
Thanh Mỹ (phải) và Cát Vi mang lại sức sống cho phim. |
Điểm sáng lớn của phim là sự nhập tâm của Thanh Mỹ và Cát Vi, những ngôi sao đầy triển vọng của điện ảnh Việt. Từ sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thanh Mỹ đã lớn hẳn và cũng trưởng thành trong diễn xuất. Ở đoạn đầu phim, cô hoàn toàn chiếm sóng với loạt cảnh di chuyển, khám phá bí ẩn trong ngôi nhà rùng rợn. Về cuối phim, Thanh Mỹ thể hiện được sự cứng rắn của một người chị gái cùng quyết tâm bảo vệ gia đình. Nhiều lớp diễn của cô bé sẽ gây bất ngờ và khiến người xem tán thưởng.
Còn Cát Vi tiếp tục mang đến nét diễn bướng bỉnh, nghịch ngợm. Trong khi nhân vật của Thanh Mỹ đằm tính, nhiều lo toan, vai của Cát Vi có phần quậy hơn đúng kiểu em út trong gia đình. Gương mặt giàu biểu cảm giúp diễn viên thể hiện tròn trịa nhiều cảnh quay, từ cãi nhau với người thân đến hoảng hốt khi gặp hiện tượng lạ trong đêm. Có thể nói, hai diễn viên nhí là điểm nhấn lớn cho Bóng đè, trong khi tuyến người lớn có phần mờ nhạt.