Làng hoa Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) những ngày này có nhiều thương lái đánh xe về mua hoa cúc pha lê. |
Đây vốn là loài hoa xứ lạnh, được các hộ dân nơi đây trồng thành công sau khi chuyển đổi diện tích cây trồng. |
"Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay gia đình trồng 500 chậu cúc nở hoa đúng dịp Tết. Khác với những năm trước, năm nay mới 18 tháng Chạp, thương lái đã về đây hỏi mua hoa. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn lãi hơn 100 triệu đồng", anh Võ Văn Lai (ngụ thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) nói. |
Dịp này, nhiều lao động địa phương được thương lái trả công từ 300.000 đến 400.000 đồng/ngày để vận chuyển hoa từ vườn lên xe tải. |
Từ nay đến sát tải, xe tải nối đuôi nhau trên các tuyến đường ở xã Nghĩa Hiệp để chở hoa cúc đưa đi tiêu thụ. Thương lái Lê Hoàn Phước (ngụ Quảng Nam) cho biết người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ưa chuộng cúc pha lê trồng trong chậu ở vùng ven sông Vệ. |
"Là vùng đất xứ nóng nhưng người dân nơi đây đã trồng thành công hoa cúc ở xứ lạnh Đà Lạt. Hoa cúc nơi đây búp to, nở tươi lâu, tuyệt đẹp không thua kém hoa trồng ở Đà Lạt", tiểu thương này bộc bạch. |
Hoa cúc khoe sắc xen lẫn giữa những vườn cau tạo nên bức tranh mùa xuân thanh bình. Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, cho biết nông dân năm nay rất phấn khởi khi thương lái khắp nơi về tận vườn thu mua hoa. |
"Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trồng được hoa cúc pha lê, cúc tím, hoa hồng nhung Pháp, nhiều hộ dân bán hoa Tết cho thương lái thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Địa phương đã kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu "Hoa Nghĩa Hiệp" nhằm bảo vệ quyền lợi, giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập", ông An nói. |
Ngoài cúc vàng pha lê, nhiều gia đình ở vùng ven sông Vệ còn xen canh trồng các loại hoa cúc tím, hoa mào gà, thược dược... nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Với gần 1.000 hộ trồng hoa Tết, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm người dân địa phương có thể thu về hơn 40 tỷ đồng. |