Ngày 25/2, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình trạng "lâm tặc" dựng lán trại và phá rừng ở bán đảo Sơn Trà.
Tại tiểu khu 62, ông Ban yêu cầu các lực lượng chức năng tháo dỡ các lán trại do Nguyễn Văn Tâm (trú Sơn Trà) tự ý xây dựng để phục vụ việc khai thác trái phép gỗ.
Đoàn kiểm tra tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đ.N |
Cơ quan chức năng cũng buộc ông Tâm chuyển toàn bộ các vật dụng, công cụ và những công nhân làm thuê ra khỏi rừng. Người này cam kết sẽ không tái phạm hành vi. Một số công nhân cho biết, họ được ông Tâm thuê 250.000 đồng/ngày để khai thác gỗ, sau đó vận chuyển ra ngoài.
Theo quan sát của phóng viên, ở bên trong tiểu khu 62 có hàng chục cây gỗ các loại bị đốn hạ. Gỗ đã được chuyển đi nơi khác, hiện trường còn lại những cành cây loại nhỏ vương vãi khắp nơi. Ông Tâm khai, đã chặt nhiều cây rừng để làm khoảng 400 m đường vào sâu bên trong, phục vụ việc khai thác gỗ trái phép.
Ông này cho biết, diện tích rừng mà ông dựng lán trại đã được UBND TP giao khoán. Tuy nhiên, người này không xuất trình được giấy phép khai thác rừng cũng như hồ sơ cấp phép xây dựng công trình.
Ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, bức xúc nói, do sự buông lỏng, thậm chí vô trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm nên ông Tâm mới ngang nhiên dựng lán trại để khai thác gỗ.
Ông Tâm làm lán trại để khai thác rừng nhưng kiểm lâm không biết. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo vị này, việc tàn phá rừng như vậy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh tồn và vùng sống của nhiều loại động thực vật tầm thấp. Trong đó có khoảng 143 loại cây thuốc dược liệu đa số là thân thảo và dây leo, làm mất đi thảm hệ thực vật sống trên mặt đất.
Đặc biệt là loại voọc chà vá chân nâu - được các tổ chức bảo tồn trên thế giới cũng như sách đỏ Việt Nam xếp vào mức nguy cấp có khả năng tuyệt chủng.
"Ở Sơn Trà có hàng chục kiểm lâm mà không biết người dân phá rừng là quá vô lý. Du khách đi qua cũng nhìn thấy rừng bị phá, còn cán bộ hưởng lương thì không. Lực lượng kiểm lâm phải chịu trách về vấn đề này", ông Công nói.
Người dân ngang nhiên đào đất làm đường vào rừng để khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà, thì phân trần, do anh em nhầm lẫn khu vực này đã giao UBND phường Thọ Quang quản lý nên lơ là kiểm tra.
Sau khi ghi nhận tình hình, ông Ban cho biết, sẽ xử lý nghiêm những người buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng. "Không thể đùn đẩy trách nhiệm cho nhau được. Dân xây dựng lán trại trong rừng cả tháng mà kiểm lâm không biết thì quá vô lý", ông Ban cương quyết và yêu cầu lực lượng kiểm lâm TP nghiêm túc kiểm điểm và xử lý làm rõ trách nhiệm những người có liên quan.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết thêm, trên bán đảo Sơn Trà có 2.539 ha rừng nằm trong khu bảo tồn và hơn 1.000 ha đất được UBND TP giao khoán cho một số đơn vị, cá nhân trồng rừng và làm du lịch.
Việc giao khoán chưa xong nên dẫn đến việc chồng lấn trong công tác kiểm tra, giám sát. Sắp tới, Sở sẽ rà soát lại diện tích đất rừng giao khoán để dễ quản lý, bảo vệ.
Bán đảo Sơn Trà thuộc địa phận phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) với hơn 1.000 loài thực vật và 300 loài động vật khác nhau.