Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đàn ông hưởng lợi rất nhiều khi phụ nữ được trao cơ hội phát triển'

Đại sứ Đan Mạch ông Kim Højlund Christensen cho rằng nam giới nên hiểu rằng chính họ cũng được lợi khi nửa còn lại của xã hội được trao cơ hội, phát huy hết tiềm năng để phát triển

Đan Mạch vừa soán ngôi vị số 1 của Thụy Điển để trở thành quốc gia đáng sống nhất dành cho phụ nữ, theo báo cáo của tổ chức thống kê U.S. News and World Report năm 2018. Báo cáo này đánh giá 20 quốc gia lý tưởng nhất dành cho phái yếu dựa trên 5 yếu tố: chăm sóc sức khỏe, an toàn, giáo dục, chính trị và kinh tế.

Dai su Dan Mach o Viet Nam anh 1
Đại sứ Kim Højlund Christensen trước cổng Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội. 

Trò chuyện với Zing.vn, Đại sứ Đan Mạch ông Christensen chia sẻ về câu chuyện thúc đẩy nữ quyền và quan niệm người dân quốc gia Bắc Âu về bình đẳng giới.

- Thưa ông, trước khi đạt được đánh giá cao về môi trường sống như hiện nay cho phụ nữ, Đan Mạch đã trải qua những khó khăn, trở ngại gì?

- Thúc đẩy bình đẳng giới và nữ quyền từng là thách thức lớn ở Đan Mạch và nó không diễn ra trong một sớm một chiều. Chỉ đến năm 1915, phụ nữ ở Đan Mạch mới được phép đi bỏ phiếu bầu cử, thật khó tưởng tượng nếu ngày nay phụ nữ bị cấm đi bỏ phiếu.

Người Đan Mạch không coi thúc đẩy bình đẳng giới và nữ quyền là cuộc đấu tranh của nữ giới cho nữ giới

Đại sứ Kim Højlund Christensen

Có nhiều yếu tố tác động đến điều này, theo tôi, quan trọng nhất là làm cho người dân hiểu đây là vấn đề của mọi thành viên trong xã hội. Người Đan Mạch không coi đây là cuộc đấu tranh của nữ giới cho nữ giới, bởi đàn ông cũng hưởng lợi rất nhiều nếu nửa còn lại được trao cơ hội để phát triển.

Để xây dựng một nền kinh tế, một xã hội phát triển thì mọi nguồn lực về con người cần phải tham gia, góp sức. Sẽ thật lãng phí nếu chỉ một nửa dân số được phát triển một cách toàn diện. Bình đẳng giới đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực từ mọi thành viên trong xã hội để phát triển.

- Chính phủ Đan Mạch đã làm gì để cụ thể hóa việc bình đẳng giới?

Chính phủ Đan Mạch nhận thức vấn đề này là ưu tiên hàng đầu, một ưu tiên dài hạn. Chúng tôi luôn nỗ lực để phụ nữ hưởng lợi từ các hệ thống, chính sách của Nhà nước một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi rất chú trọng đến sức khỏe sinh sản, tình dục, cân bằng giữa công việc - cuộc sống và bình đẳng ở môi trường làm việc.

Dai su Dan Mach o Viet Nam anh 2
Đại sứ Christensen nói vẫn còn nhiều nhận thức sai lệch về vai trò người phụ nữ ở Việt Nam. 

Chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào, tuy nhiên, để được như ngày hôm nay không hề dễ dàng. Trước kia, nữ giới được nhận vào các công ty ở Đan Mạch đã khó, nhưng giờ đây, họ là thành tố quan trọng đóng góp vào việc phát triển bền vững ở các công ty, đây là điều rất thành công.

Bên cạnh đó, chúng tôi có các chính sách cho phép nam giới cũng được nghỉ khi vợ sinh, đảm bảo các quy định được linh hoạt để phụ nữ có thể cân bằng được công việc và cuộc sống.

Những chính sách kiểu này thường mất nhiều thời gian trước khi được chấp nhận, tuy nhiên, nó đã đem đến những kết quả rất ấn tượng và giúp Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia có chế độ nghỉ sinh tốt nhất châu Âu. Tất nhiên là chúng tôi sẽ không dừng lại ở đó, vẫn còn nhiều việc phải cải thiện, nhiều điều cần làm cho bình đẳng giới ở Đan Mạch.

- Ông nghĩ sao về bình đẳng giới và nữ quyền ở Việt Nam? Việt Nam cần phải cải thiện ở những mặt nào?

- Chúng ta đều đồng ý rằng các nước phát triển thường có nền tảng bình đẳng giới tốt hơn các nước đang phát triển. Tôi tin rằng bình đẳng giới là thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế và ngược lại.

Bình đẳng giới không xóa bỏ lợi ích của nam giới, ngược lại nó giúp cho cả 2 giới được tận dụng hết mọi tiềm năng của mình để phát triển

Đại sứ Kim Højlund Christensen

Số liệu chỉ ra rằng các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) có sự tham gia của nữ giới nhiều hơn sẽ có các chỉ số phát triển kinh tế tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đảm bảo các quyền lợi, bình đẳng cho nữ giới cũng đảm bảo việc phát triển kinh tế một cách lành mạnh và bền vững cho mọi quốc gia.

Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành quả, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều nhận thức sai lệch và định kiến cản trở bình đẳng giới.

Nhiều nam giới nghĩ rằng nếu phụ nữ giành được nhiều cơ hội hơn, họ sẽ chịu thiệt. Điều này hoàn toàn không chính xác, bình đẳng giới không xóa bỏ lợi ích của nam giới, ngược lại nó giúp cho cả 2 giới được tận dụng hết mọi tiềm năng của mình để phát triển. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế và phát triển bền vững.

Hiểu lầm thứ 2 là việc phụ nữ vẫn bị gắn chặt với các việc nội trợ và chăm sóc con cái, đây là điều đúng trong quá khứ. Nhưng phụ nữ hiện đại cần được bảo đảm cả 2 mặt cuộc sống và công việc. Nam giới giờ đây không chỉ đảm bảo mặt tài chính cho gia đình, họ cần tham gia vào các công việc nhà cùng phụ nữ.

- Đan Mạch sẽ giúp Việt Nam thế nào trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là đối với các phụ nữ vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số?

- Đan Mạch vẫn sẽ luôn nỗ lực hết sức để giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề này, trong các chương trình đối thoại, làm việc chúng tôi sẽ cố gắng đưa những vấn đề này ra để cùng tìm cách giải quyết.

Đối với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu vùng xa, điều quan trọng nhất là giúp họ tự chủ về mặt tài chính, không bị phụ thuộc vào nam giới trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Để làm được điều này, chúng ta cần thu thập được dữ liệu, xây dựng chính sách đặc thù cho từng vùng miền, tạo việc làm, đảm bảo các điều kiện ý tế, giáo dục cho phụ nữ, nhất là trẻ em nữ.

Qua đây, tôi cũng chúc phụ nữ Việt Nam, Đan Mạch và trên toàn thế giới một ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 nhiều ý nghĩa và niềm vui. Tôi mong Đan Mạch và Việt Nam có thể hợp tác nhiều hơn nữa trong việc mang lại hạnh phúc đến với phái nữ ở đây.

Người phụ nữ 40 năm sống ở vỉa hè Sài Gòn

Trải qua phần lớn cuộc đời trên vỉa hè Sài Gòn, bà Nga thường thức giấc ở ghế đá công viên với hành trang gồm vài ba bộ đồ mang theo từ Đồng Nai và đôi chân tập tễnh do dị tật.

Sơn Hà thực hiện

Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch.

Bạn có thể quan tâm