Quận Trung Tây, Hong Kong là nơi thu nhập trung bình của các hộ gia đình gấp đôi mức trung bình toàn thành phố.
Tuy nhiên, nghiên cứu do tổ chức cộng đồng Caritas và Đại học Hong Kong công bố hôm 22/7 phản ánh một thực tế đối lập. Giữa các tòa tháp tài chính, khu căn hộ sang trọng và các cửa hàng thời trang xa hoa, hàng nghìn người thu nhập thấp đang mắc kẹt trong hơn 3.400 căn hộ ọp ẹp và không an toàn.
Cụ thể, tại 64 trong số 114 tòa nhà được xây dựng trước năm 1993 ở các khu phố cũ phía tây, gần 400 căn hộ được chủ sở hữu chia làm đôi, làm ba và cho thuê tách biệt. Thậm chí, một số căn được chia làm 7 buồng không có cửa sổ, diện tích chỉ khoảng 3,7 m2.
Một buồng trong căn hộ chia nhỏ tại quận Trung Tây, Hong Kong. Ảnh: Felix Wong. |
“Khi nói đến những căn hộ bị chia nhỏ, hầu hết mọi người nghĩ đến khu Sham Shui Po, Tsuen Wan hoặc Yau Tsim Mong”, Benjamin Sin Chiu-hang, giám sát viên của tổ chức Caritas, nói. “Chúng tôi muốn hiểu rõ làm thế nào mà trong một khu vực giàu có như quận Tây, các căn hộ chia nhỏ lại tồn tại với số lượng lớn như vậy”.
Giá cao nhưng nhà tồi tàn
Trong 114 tòa nhà được khảo sát, ba phần tư số tòa nhà không có hệ thống báo cháy, hai phần ba thiếu bình và vòi cứu hỏa. Nhiều người phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ với hệ thống dây điện trần, tường bê tông và trần nhà nứt vỡ. Ngoài ra, phần lớn các chung cư không có bảo vệ, chỉ một nửa là có cổng trước có thể khóa được.
Dù vậy, giá thuê trung bình hàng tháng tại khu vực này lại là 652 USD, cao hơn khoảng 10-20% so với các căn hộ ở nơi khác.
Khu Saiwan có nhiều chung cư xuống cấp. Ảnh: SCMP. |
Wong Ka-yee, nhân viên tại Caritas, cho biết từ khi Tập đoàn MTR thông báo sẽ mở rộng tuyến tàu điện ngầm đến phía tây Hong Kong vào năm 2008, giá bất động sản và giá thuê nhà trong quận đã "tăng theo cấp số nhân".
“Nhiều tòa nhà cũ được chuyển đổi thành khu dân cư sang trọng hoặc cải tạo thành chung cư cho thuê. Khu vực này có ngày càng ít căn hộ mà người dân thu nhập thấp có thể chi trả”, bà nói. Theo bà Wong, làn sóng người nước ngoài và sinh viên đổ về khu vực này cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với các căn hộ chia nhỏ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 36,4% thu nhập của các hộ gia đình sẽ dành cho việc thuê nhà. Con số này cao hơn tỷ lệ trung bình trên toàn thành phố (32,3%). Tệ hơn nữa, do không có đồng hồ đo điện nước độc lập, hơn 70% hóa đơn điện nước được thanh toán trực tiếp cho chủ nhà, thường ở mức cố định hoặc quá mức.
Tại sao nhiều người vẫn ở lại?
Quận Trung Tây xa hoa là nơi tình trạng chia nhỏ căn hộ gia tăng. Ảnh: SCMP. |
Phỏng vấn 74 người thuê căn hộ siêu nhỏ cho thấy họ quyết định ở lại và chấp nhận giá thuê nhà cao vì công việc và gia đình.
“Nhiều người có việc làm dài hạn trong quận này, đôi khi thậm chí nhiều hơn một công việc. Một lý do khác là họ có con nhỏ đi học trong khu vực”, Tse Tsz-ying thuộc tổ chức Caritas cho biết. Tse nhận định đối với những người đã sống ở quận này lâu năm và qua nhiều thế hệ, họ không muốn rời bỏ cộng đồng.
Một người mới đến nói rằng cô cũng không muốn chuyển đi vì công việc và trường học của con gái đều ở trong khu phố, dù cô đang rất vất vả để kiếm sống.
Cô đã chuyển nhà không dưới 3 lần trong 3 năm, có lúc vì giá thuê tăng cao, có lúc bị chủ sở hữu đuổi. Thu nhập hàng tháng của gia đình 3 người là khoảng 2.000 USD, trong đó, hơn một nửa được dành để thuê nhà.
“Mỗi ngày, chúng tôi đều cố gắng tránh chạm mặt chủ nhà. Tất cả những lần gia hạn hợp đồng đều khiến tôi cảm thấy như đang cầu xin họ cho chúng tôi ở lại. Đây không phải là cách con người nên sống”, cô giãi bày.