Simon Peh Yun-lu, ủy viên của Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng Hong Kong (ICAC), tuyên bố tổ chức của ông sẽ giúp đỡ các đối tác thương mại trong việc chống tham nhũng. ICAC cũng là cơ quan được Bắc Kinh lựa chọn để hỗ trợ các cơ quan của chính phủ Trung Quốc chống tham nhũng và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc Chống Tham nhũng.
"Tình trạng tham nhũng rất nghiêm trọng ở một số quốc gia", South China Morning Post ngày 3/7 dẫn lời ông. "(Nạn hối lộ) tràn lan. Chuyện này ngoài sức tưởng tượng của chúng ta vì những hành động như vậy đã bị nhổ tận gốc khỏi Hong Kong một thời gian dài".
Simon Peh Yun-lu, ủy viên của Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post. |
Peh chỉ ra các ví dụ của tham nhũng từ việc cảnh sát giao thông đòi tiền lái xe để cho qua những vi phạm trên đường đến lính cứu hỏa và nhân viên hải quan "tống tiền" các nhà đầu tư để được cấp giấy chứng nhận an toàn cho nhà máy của họ hoặc để được vận chuyển máy móc và sản phẩm nhập khẩu.
"Bạn có thể tưởng tượng phần còn lại. Một viên chức dùng thẩm quyền của mình để tham nhũng", ông nói.
ICAC là một cơ quan của chính quyền Hong Kong nhưng độc lập với bộ máy và báo cáo trực tiếp cho Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ngoài việc điều tra tham nhũng ở Hong Kong, cơ quan này còn huấn luyện và tư vấn cho các đối tác nước ngoài, đặc biệt là từ những nước tham gia dự án Vành đai, Con đường.
Sáng kiến này do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm tăng cường liên kết kinh tế và hạ tầng của 60 quốc gia nằm trên 3 châu lục, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN.
Peh nói rằng ưu tiên của ICAC là các nước ASEAN. Ông cũng cho biết có 13 nước thuộc sáng kiến này, bao gồm Bangladesh và Sri Lanka đã tiếp cận ICAC để đề nghị việc giúp đỡ trong việc đào tạo quan chức.
Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng việc huấn luyện không phải thuốc chữa bách bệnh và sẽ cần một thời gian dài cùng rất nhiều nỗ lực để một số quốc gia có thể loại bỏ nạn tham nhũng.