Cư dân trên đảo Natuna lo ngại rằng giới chức trách không trang bị đầy đủ những gì cần thiết để cách ly công dân Indonesia được sơ tán khỏi Vũ Hán, theo Channel NewsAsia.
“Không phải chúng tôi không muốn tiếp nhận người khác, chỉ là chúng tôi rất sợ virus. Đảo Natuna rất nhỏ. Nếu nó (chủng virus corona mới) lây lan, mọi thứ sẽ kết thúc”, cư dân Ranai, thủ phủ của Natuna, Kiki Firdaus, nói với Channel NewsAsia hôm 3/2.
Ông Firdaus bày tỏ sự thất vọng khi chính quyền không thông báo trước cho người dân rằng hòn đảo của họ được chỉ định là nơi cách ly dịch bệnh. “Đột nhiên, họ dỡ hàng hậu cần ở Natuna. Tất nhiên, khi đó chúng tôi cảm thấy bị phản bội”.
Người dân biểu tình
Ông Firdaus cùng hàng trăm người dân đảo Natuna đã biểu tình trước tòa nhà quốc hội địa phương, căn cứ hải quân và sân bay từ ngày 1/2.
Tổng cộng hơn 280 người, gồm cả phi hành đoàn và tiếp viên, đang bị cách ly ở Natuna sau khi trở về từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Những người này đáp xuống thủ phủ Ranai, thành phố khoảng 20.000 người, hôm 2/2 theo kế hoạch của chính phủ cách ly họ 14 ngày ở đây trước khi được trở về nhà. Động thái làm dấy lên phản đối của người địa phương.
Các nhân viên y tế sơ tán các công dân Indonesia khỏi Vũ Hán, tâm điểm của virus corona, đến căn cứ quân sự ở đảo Natuna để cách ly. Trong ảnh, máy bay hạ cánh ở sân bay Hang Nadim ở Batam, quần đảo Riau. Sau đó họ được đưa đến đảo Natuna. Ảnh: Reuters. |
Nữ hộ sinh Mdm Zakiah, một người biểu tình, nói rằng có các cơ sở y tế ở Natuna rất hạn chế. “Tôi biết trang thiết bị y tế còn hạn chế. Natuna chỉ có một bệnh viện quân đội và bệnh viện địa phương nơi tôi làm việc”, cô nói.
Zakiah cho biết thiết bị bảo hộ duy nhất có sẵn cho nhân viên y tế là khẩu trang phẫu thuật. “Chúng tôi không có quần áo bảo hộ… Chúng tôi sợ rằng nếu những người bị nhiễm được chuyển đến bệnh viện của chúng tôi, thì phải làm sao?”.
Nữ hộ sinh cũng chỉ ra rằng thành phố Ranai thường bị mất điện. Điều đó khiến nơi đây trở thành một nơi không lý tưởng để kiểm dịch và điều trị y tế.
Sự hoang mang tại khu vực cách ly
Người dân Natuna đã bị nhầm lẫn về vị trí của khu vực cách ly.
Chỉ huy Hadi Tjahjanto trước đó nói rằng những người sơ tán sẽ bị cách ly ở khu vực cách khu dân cư khoảng 5-6 km. Thế nhưng, sáng 3/2, họ đưa người cách ly ở gần sân bay, nơi cách khu dân cư chưa đầy 2 km, cô Zakiah chia sẻ.
“Nếu nơi cách ly xa hơn một chút, có lẽ tôi đã bình tĩnh hơn. Tôi có một đứa con gái 5 tuổi”, cô nói.
Cố vấn tài chính, anh Erwin, đồng cảm với nỗi lo của nữ hộ sinh. Anh cũng sống gần sân bay như cô Zakiah.
“Chúng tôi không cố gắng khước từ họ… Tôi muốn có một sự đảm bảo từ chính quyền trung ương rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với Natuna”.
Hàng trăm người biểu tình trước căn cứ hải quân ở Ranai hôm 1/2 phản đối việc cách ly người từ Hồ Bắc trên đảo Natuna. Ảnh: Kiki Firdaus. |
“Những người trên mạng xã hội nói rằng người dân Natuna không muốn hợp tác với chính phủ. Điều đó không đúng. Chúng tôi chỉ muốn sự rõ ràng để cảm thấy yên tâm và an toàn”, thanh niên 30 tuổi nói.
Ngày 2/2, chính quyền địa phương thông báo các trường tiểu học và trung học cơ sở sẽ đóng cửa đến ngày 17/2.
Thành viên quốc hội Natuna, Wan Arismunandar, cho biết quyết định đóng cửa các trường học là để đáp lại ý nguyện của người dân. “Nếu chúng tôi không thực hiện mong muốn của người dân, họ sẽ không gửi con cái họ đến trường nữa”.
Nhưng cùng ngày muộn hơn, chính quyền địa phương lại thông báo họ có thể rút lại quyết định theo khuyến nghị của Bộ Nội vụ. Điều này khiến các bậc phụ huynh hoang mang.
Hội kiến tổng thống
Nghị sĩ Arismunandar nói thêm rằng các cuộc biểu tình đã nổ ra trong vài ngày qua vì người dân không được thông báo rõ về tình hình mới nhất, chẳng hạn như diễn tiến của dịch bệnh virus corona.
“Chúng tôi phải là trung gian giữa chính quyền trung ương và người dân”, ông nói. “Chúng tôi phải hiểu được mối lo ngại của người dân và chuyển tới chính quyền tỉnh, sau đó thúc giục chính quyền tỉnh gửi đến chính quyền trung ương để giải quyết lo ngại của người dân”.
Ông Arismunandar cho biết lãnh đạo Natuna và vài quan chức khác sẽ tới Jakarta để hội kiến với tổng thống về vấn đề này.
Người sơ tán bị phun thuốc trước khi di chuyển đến căn cứ quân sự ở đảo Natuna để cách ly. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu tại Bogor, Tây Java, ngày 2/2, Tổng thống Joko Widodo đã cảm ơn người dân Natuna và nêu lý do sử dụng hòn đảo này làm nơi cách ly.
“Không phải đảo nào cũng có thể sử dụng để cách ly. Chúng tôi đã ước tính trước mức độ sẵn sàng của các đội ngũ y tế. Do đó, quyết định là cách ly người sơ tán ở Natuna”, ông Widodo nói.
Trong cuộc họp với quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto đã cam kết phối hợp với chính quyền Natuna để đảm bảo mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.
Đến nay, chưa có trường hợp nào nhiễm virus corona ở Indonesia.