Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân miền Tây lo thành con nợ vì cá tra, cá lóc

Hiện tại, nhiều mặt hàng thủy sản có thế mạnh của các tỉnh, thành ĐBSCL đồng loạt rớt giá. Với giá sản phẩm bán ra chưa tới giá thành sản xuất, nhiều người nuôi bị thua lỗ nặng.

Cá tra được giá, nông dân hết hàng để bán

Từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường cá tra quay đầu giảm mạnh dưới giá thành từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện giá cá tra nguyên liệu được thương lái thu mua tại ao dao động ở mức 21.200 - 22.000 đồng/kg, giảm từ 4.000 đến 4.500 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Với mức giá này, nông dân nuôi cá đang lỗ trung bình 1.500 - 2.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết, thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn, khiến người nuôi trở tay không kịp. Vào tháng 4, giá cá tra tăng lên 24.000 -25.000 đồng/kg - mức giá đảm bảo cho người nuôi lãi khá. "Tuy nhiên, đa số bà con đều không được hưởng lợi nhiều từ đợt tăng giá này vì không có hàng để bán. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, giá tăng chưa được bao lâu thì đã quay đầu giảm mạnh, thấp hơn cả giá thành sản xuất khiến nhiều người dân và cả nhà máy đầu tư vùng nuôi đều bị thua lỗ nặng nề", ông Hải nói. 

Mấy năm nay mô hình nuôi ếch trong vèo ở ĐBSCL phát triển rất mạnh, nhưng năm nay giá ếch bán ra thấp hơn giá thành từ 2.000 -3.000 đồng/kg.
Nhiều hộ nông dân nuôi cá tra bị lỗ nặng, vì đến khi cá được giá thì không còn hàng để bán. Ảnh: Ngọc Trinh.

Mặc dù giá cá tra đang rất thấp nhưng các DN chế biến cũng không mặn mà thu mua. Các DN không có vùng cá nguyên liệu chỉ thu mua với số lượng rất hạn chế để hoạt động cầm chừng. Còn đối với các DN lớn, có vùng cá nguyên liệu ổn định thì hầu như “đóng băng”. Do đó, phần lớn bà con nuôi cá tra đang rơi vào tình thế vô cùng bi đát, cá đến lứa không bán được, mà càng nuôi thì càng lỗ.

Cùng chung số phận với cá tra, ếch thịt và cá rô đầu vuông ở ĐBSCL cũng đang rớt giá thê thảm. Hiện tại, ếch thịt được thương lái thu mua ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ giá dao động 28.000 - 29.000 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành lên đến 30.000 - 32.000 đồng/kg.

Giá cá tra đang thấp, nhưng các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà trong thu mua. Ảnh: Ngọc Trinh.

Thành "chúa chổm" vì ếch, cá lóc, cá rô đầu vuông

Ông Dương Văn Cương, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) cho biết, phong trào nuôi ếch rất phát triển, nhiều năm cho lãi cao. Thế nhưng, năm nay thị trường lại bất ngờ "dở chứng", giá chỉ giảm mà không tăng. “Với 35 vèo thả nuôi tổng cộng trên 1,5 triệu con ếch giống, gia đình tui lỗ gần 150 triệu đồng”, ông Cương than thở. Không chỉ rớt giả, ếch còn chết hàng loạt do trời liên tục mưa, nhiệt độ môi trường thay đổi. Ngoài ra, chi phí thức ăn tăng so với trước là nguyên nhân khiến vụ nuôi này gia đình ông Cương bị thua lỗ nặng.

Theo ông Cương, ếch nuôi trong vèo sau hơn 3 tháng đạt trọng lượng từ 250 đến 300 gram/con là có thể xuất bán. Mấy năm trước, giá ếch thương phẩm luôn ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg nên người nuôi rất phấn khởi, nhưng năm nay thì "méo mặt".

Không chỉ cá tra, ếch, nhiều mặt hàng thủy sản nuôi khác như cá rô đầu vuông, cá lóc cũng đang bị rớt giá do đầu ra gặp khó khăn. Tỉnh Hậu Giang vốn được coi là nơi khởi nguồn và là “thủ phủ” của con cá rô đầu vuông nhưng giờ hỏi đến loài cá “hay ăn, chóng lớn này” ai cũng lắc đầu ngao ngán. Cách đây khoảng 10 năm, cá rô đầu vuông đã giúp không ít nông dân thành tỷ phú thì giờ lại biến họ thành “chúa chổm”, vì càng nuôi càng lỗ.

Nhiều loại thủy sản nuôi ở ĐBSCL gặp khó khăn ở đầu ra.
Nhiều loại thủy sản nuôi ở ĐBSCL, trong đó có cá lóc, gặp khó khăn ở đầu ra. Ảnh: Ngọc Trinh.

Ông Lê Viết Hiền (Vị Thủy, Hậu Giang) - người đã gắn bó với con cá rô đầu vuông gần chục năm nay cho biết, những năm 2005 -2006, giá thành sản xuất cá rô đầu vuông chỉ ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi giá bán lên đến 28.000 - 30.000 đồng/kg. "Một vốn ba, bốn lời nên ai cũng háo hức đào ao thả nuôi. Còn hiện nay, để sản xuất ra 1 kg cá thịt người nuôi phải đầu tư từ 22.000 đến 24.000 đồng, tùy mức độ thâm canh. Thế nhưng giá bán chỉ còn khoảng 16.000 - 21.000 đồng/kg, tương ứng với loại 10 con và 4 con/kg. Với mức giá này, chỉ cần thả nuôi 1 ao 1.000 m2 là đã lỗ cả trăm triệu đồng”, ông Hiền nói.

Vào thời “hoàng kim”, sức lan tỏa của con cá rô đầu vuông đã phủ khắp các tỉnh, thành ĐBSCL. Ngồi bên ao cá đã đến ngày thu hoạch nhưng chưa bán được, anh Hồ Minh Nhã, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp buồn rầu nói: “Con cá rô đầu vuông đã mất giá mấy năm nay nhưng chưa bao giờ thê thảm như hiện nay. Lỗ chút ít còn có vốn để đầu tư tiếp chứ giá này thì coi như sạt nghiệp”.

Tương tự, hàng ngàn hộ nuôi cá lóc ở vùng này cũng cùng chung số phận. Chưa hết, cá nuôi tới thời điểm thu hoạch vẫn không bán được, dù hiện nay không phải là thời vụ thu hoạch cá tự nhiên. Theo tính toán của các hộ dân nuôi cá lóc, nếu mua thức ăn bằng tiền mặt, thả nuôi trên đất nhà thì coi như chịu lỗ công nuôi mấy tháng trời. Còn những hộ mướn đất để nuôi và mua thức ăn thiếu ở đại lý thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều và hiển nhiên người nuôi từ lỗ đến lỗ. Nhiều người sau khi thu hoạch đã đành chấp nhận treo ao chứ không dám thả nuôi tiếp vì sợ lỗ.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành, giá thủy sản rớt mạnh là do quy hoạch bị phá vỡ hoặc thiếu. Hiện tại, cung đã vượt cầu, đối với các mặt hàng thủy sản. Bên cạnh đó, bài toán về thị trường tiêu thụ cũng đang chưa có lời giải. Hiện tại, ngoại trừ con cá tra được chế biến xuất khẩu, còn lại cá lóc, cá rô đầu vuông và ếch thịt chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, với số lượng có hạn chứ không thể tăng mãi. 

Cá rô đầu vuông giá 16.000 đồng/kg, nông dân miền Tây đổ nợ

Bí đầu ra, nhiều hộ nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang đang lâm vào tình trạng thua lỗ nặng. Nhiều người đang treo, lấp ao, chỉ còn vài hộ nuôi cầm chừng.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm