Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Baidu - một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc - đã ghi một bàn “phản lưới nhà” đầy ngoạn mục bằng cách đăng tải những bài đăng mang tính công kích cấp dưới trên mạng xã hội.
Bài viết của cô tạo ra làn sóng phẫn nộ trong hàng triệu nhân viên đang làm việc trên khắp đất nước. Điều này khiến Qu Jinh phải từ chức hôm 10/5.
“Bạn có khóc hay không, lãnh đạo như tôi không quan tâm”
Cụ thể, Qu Jing, Phó chủ tịch của gã khổng lồ tìm kiếm Baidu, dùng Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, để khoe khoang về việc mình đã thờ ơ với cảm xúc của nhân viên, từ chối yêu cầu tăng lương và nhận được hàng trăm lời phàn nàn nhưng chẳng quan tâm.
Các video cho thấy Qu một giám đốc điều hành cứng rắn, chấp nhận văn hóa làm việc “bán mạng” vốn đã thịnh hành từ lâu trong ngành công nghệ Trung Quốc. Do đó, chúng nhanh chóng gây ra làn sóng chỉ trích. Thậm chí, các hashtag liên quan thu về hàng trăm triệu lượt xem trên Weibo.
Cư dân mạng Trung Quốc gọi phong cách làm việc của Qu là “vô nhân tính”, tỏ ra rất ngạc nhiên khi cô được giao trọng trách lãnh đạo các hoạt động PR của Baidu. Một số người thậm chí còn kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của công ty vì môi trường làm việc độc hại.
“Hiếm khi thấy ai đó thể hiện hành vi bóc lột, khó có thể chịu đựng được như vậy, mà lại tự tin cho rằng một điều đáng được khen ngợi và khuyến khích”, trích một bình luận bên dưới video Douyin. Một người dùng khác viết: “Đúng là kỳ tích khi một phó chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của công ty lại tạo ra một thảm họa PR như vậy”.
Những video gây tranh cãi của Qu chủ yếu được đăng tải từ đầu tháng này và hiện đã bị xóa. Trong đó, cô thảo luận về một loạt chủ đề liên quan đến công việc, đặc biệt tập trung vào việc quản lý nhân viên và các vấn đề phát triển nghề nghiệp mà lao động nữ phải đối mặt.
Ngay từ đầu, Qu đã tự nhận mình là một kẻ đầy tham vọng, không bao giờ dùng ngày phép hàng năm và chịu đựng những chuyến công tác mệt mỏi kéo dài 50 ngày mà không phàn nàn. Cô cũng nói rõ rằng cô mong đợi cấp dưới của mình cũng có thể làm được như vậy, bất kể hoàn cảnh gia đình hay cá nhân của họ.
“Tại sao tôi lại quan tâm đến gia đình của nhân viên? Tôi không phải mẹ của bạn. Tôi chỉ quan tâm đến kết quả. Bạn có khóc hay không, một lãnh đạo như tôi không quan tâm. Bạn có quyền không làm việc trong những dự án quan trọng, nhưng điều đó có nghĩa là bạn không xứng đáng được tăng lương”, trích lời Qu nói trong một video.
Qu khẳng định một chuyên gia PR không được phép có thời gian nghỉ ngơi và phải “luôn sẵn sàng phản hồi” trên điện thoại của họ 24/24. Cô ấy cũng nói trong một đoạn clip rằng sẽ khiến cho những những nhân viên phàn nàn về mình “sẽ không tìm được công việc khác trong ngành”.
Trước khi gia nhập Baidu vào năm 2021, Qu là Giám đốc PR của Huawei. Trước đây cô cũng từng là nhà báo tại hãng thông tấn nhà nước Tân hoa xã.
Văn hóa làm việc độc hại muôn thuở ở Trung Quốc
Nhà báo Wang Qingrui nhận định nỗ lực xây dựng hình tượng “người phụ nữ sắt đá” của Qu Jing đã phản tác dụng và đã gây thiệt hại đáng kể cho danh tiếng của công ty công nghệ. “Cô ấy không chỉ đại diện cho chính mình trong các video mà còn thể hiện văn hóa và giá trị của Baidu. Điều này kéo hình ảnh của Baidu xuống thấp”, ông nói.
Theo báo chí trong nước, Qu đã ra lệnh cho mọi nhân viên trong bộ phận PR của Baidu phải hoạt động tích cực hơn trên mạng xã hội. Những người không làm như vậy đã nhận được đánh giá hàng năm kém, hay thậm chí còn bị sa thải. Kết quả là không ít nhân viên đã rời khỏi Baidu.
Hôm 9/5, Qu cho biết cô đã thực hiện chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của mình mà không có sự đồng ý của công ty và xin lỗi vì đã gây hiểu lầm cho công chúng về văn hóa doanh nghiệp của Baidu. "Ý định ban đầu của tôi chỉ là làm tốt công việc của mình, nhưng tôi đã quá trớn và dùng cách làm không phù hợp", Qu nói.
Phản ứng dữ dội của cư dân mạng cho thấy ngày càng nhiều người bất mãn với văn hóa làm việc “bán mạng” trong ngành công nghệ. Trong suốt nhiều năm qua, các giám đốc điều hành công nghệ luôn công khai chia sẻ rằng họ mong đợi nhân viên làm việc "996" - 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần.
Nhưng thực tế là những phát ngôn này đã gây không ít tranh cãi. Các nhà chức trách đã cấm ép buộc nhân viên làm thêm giờ, mặc dù việc thực thi các quy tắc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Một số bình luận trên Weibo miễn cưỡng tôn trọng quan điểm của Qu, vì ít nhất cô ấy đã thẳng thắn về thái độ của mình. "Cô ấy chỉ nói sự thật”, một người dùng viết.
Giám đốc PR của Baidu cũng không phải lãnh đạo công nghệ Trung Quốc duy nhất gây ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc trong những tháng gần đây. Đầu năm nay, Zhou Hongyi, Giám đốc điều hành của gã khổng lồ công nghệ 360, nói rằng tất cả các doanh nhân nên tìm cách trở thành "người nổi tiếng trên Internet" để tăng cường giao thiệp với các đối tác.
Xu hướng này chính là hệ quả đến từ thành công của Lei Jun, Giám đốc điều hành của Xiaomi. Ông là người thường xuyên đăng tải bài viết để những nỗ lực của công ty khi sản xuất một chiếc xe điện mới. Những bài đăng này đã mang lại cho Lei một lượng lớn người theo dõi trong giới trẻ.
Zhang Zhule, một nhà phân tích Internet Trung Quốc, nhận định xu hướng này phản ánh mong muốn kết nối với giới trẻ của các công ty. Nhưng chiến lược này có thể phản tác dụng như Qu Jing chính là trường hợp điển hình.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.
Ứng dụng cũ đang gây bão ở Trung Quốc
Remini, app tạo ảnh bằng AI từng được chú ý cách đây 2 năm, hiện lại đứng đầu số lượt tải xuống trong tuần qua ở Trung Quốc.
Thương nhân TikTok Shop Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất
Trước nguy cơ TikTok bị cấm ở Mỹ, thương nhân Trung Quốc bán hàng trên nền tảng này đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Doanh số iPhone tại Trung Quốc tăng vọt
Số lô hàng iPhone tại Trung Quốc đã tăng khoảng 12% trong tháng 3, sau khi Apple và các đại lý liên tục tung ra các chương trình giảm giá.