Dân mạng chia sẻ hình ảnh tan hoang sau bão Mirinae
Thứ năm, 28/7/2016 17:00 (GMT+7)
17:00 28/7/2016
Cây đổ trên phố, nhà tốc mái, người đi đường bị gió quật liêu xiêu là những hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ khi bão Mirinae đổ bộ vào miền Bắc gây ra mưa lớn và gió giật.
Đêm 27/7, bão Mirinae (bão số 1) đổ bộ khu vực Thái Bình - Ninh Bình. Sau đó, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội, m
ưa bão khiến việc di chuyển của người dân gặp khó khăn. Ảnh: T.N.
Đầu giờ sáng, gió mạnh quật gãy nhiều cây cối, khiến người điều khiển xe máy loạng choạng, phải dắt bộ. Ảnh: T.N.
Nỗ lực cầm giữ tay lái không thành, nhiều người bỏ xe giữa đường, tìm nơi ẩn náu. Trong ảnh là cảnh xe máy nằm la liệt trên đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: CTV.
Hà Đông - quận phía Tây thủ đô cũng có mưa to kèm gió giật mạnh. Người điều khiển xe máy phải vào nhà dân trú tạm, không thể tiếp tục hành trình. Ảnh: CTV.
Áp thấp nhiệt đới làm nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi ở Hà Nội bật gốc, đè trúng xe cộ bên dưới. Ảnh chụp cảnh lực lượng chức năng "giải cứu" xế hộp bị cây xà cừ đè bẹp trên phố Quang Trung (Hà Nội). Ảnh: Vân Thanh.
Cảnh cây bật gốc, cột điện đổ nghiêng, biển hiệu tả tơi tạo nên cảnh tan hoang ở Hà Nội. Tính sáng 28/7, trên địa bàn TP có một người chết và 5 người bị thương do mưa bão. Ảnh: Vân Thanh.
Trên mạng xã hội, liên tục xuất hiện hình ảnh ghi lại thiệt hại do mưa bão. Người ngồi trên chiếc taxi này thoát chết khi cột đèn ở ngã ba Thanh Nhàn - Võ Thị Sáu đè trúng đuôi xe. Ảnh: Vũ Mạnh Thường.
Khu vực trung tâm, nhiều tuyến phố ách tắc do cây lớn bật gốc chắn ngang đường. Trên đường Phạm Văn Đồng, lực lượng chức năng phải phân luồng cho phương tiện đi chung làn đường một chiều do nhiều đoạn có cây xanh gãy đổ. Ảnh: Nguyễn Thu Trang.
Đối phó với mưa bão, sáng sớm, hàng trăm người gồm nhân viên công ty cây xanh, cảnh sát và các lực lượng khác đã ra đường giải quyết các sự cố. Nhiều máy móc, phương tiện cứu hộ được huy động đến các điểm có cây đổ. Ảnh: BEAT.
Xe thang của cảnh sát PCCC cũng được trưng dụng để xử lý vụ cây xăng bật gốc đè trúng quán cà phê trên phố Thái Hà. Trong chuyến thị sát vào sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, cảnh báo người dân để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.
Ảnh: Tú Lê.
Bão Mirinae cũng ảnh hưởng đến các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Nhiều bảng biển quảng cáo bên đường gãy đổ, còn người dân ở nhà trú mưa, hạn chế ra đường. Ảnh: Nguyễn Thu Trang.
Hình ảnh tan hoang được dân mạng chụp tại một cơ sở giáo dục ở Thái Bình - địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng từ bão số 1. Mảnh vỡ phủ kín bãi cỏ nằm giữa các các dãy nhà. Ảnh: Thịnh Sẩm.
Dọc hành lang, cửa kính bị gió giật tung. Hệ thống đèn điện chiếu sáng cũng bị hỏng. Ảnh: Thịnh Sẩm.
Tại Nam Trực (Nam Định), mưa bão quật đổ dãy nhà khung rộng cả nghìn mét vuông được dựng để tổ chức triển lãm hội chợ. Nhiều tài sản ở đây bị hư hại. Chính quyền địa phương chưa ghi nhận các trường hợp bị thương vong. Ảnh: T.Q.
Tình trạng cây xanh bật gốc, nhà cửa bị hư hại cũng xuất hiện ở TP Nam Định. Mưa trên 120 mm kèm gió giật cấp 9 làm vỡ nhiều cửa kính, sập trần nhà dân ở tỉnh này. Ảnh: BEAT.
Cộng đồng mạng cũng chia sẻ hình ảnh mưa lũ tại một số địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong ảnh là cảnh dàn giáo bị đổ sập tại một công trình xây dựng ở tỉnh Hà Nam. Ảnh: Tuấn Anh.
Đêm 27/7, bão Mirinae (bão số 1) đổ bộ khu vực Thái Bình - Ninh Bình. Sáng 28/7, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 1 tiếp tục gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ở Hà Nội đã có gió giật mạnh cấp 8-9.
Các tỉnh ven biển Đông Bắc và Đồng Bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Nam Định 126 mm, Ninh Bình 173 mm, Thái Bình 186 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Việt Bắc và Tây Bắc. Hà Nội sẽ ngập ở một số tuyến phố..
Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có bão đi qua, nhà dân bị tốc mái, cây bị khá nhiều... Nhiều địa phương bị mất điện, người dân không thể đi lại do mưa to, gió lớn. Ở Hà Nội đã có 1 người chết, 5 người bị thương.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.
Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola...
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bão Mirinae khiến khu vực Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn. Tại Ninh Bình, điện lưới chỉ còn ở trung tâm thành phố.
Dòng phương tiện đang lưu thông trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) bất ngờ bị một cây lớn bật gốc đổ trúng. Ba phụ nữ gặp nạn được nhiều người cứu thoát.
Trên đường di chuyển vào bờ tránh bão Mirinae, 2 chiếc tàu cá ở Thanh Hóa bị nạn. Lực lượng chức năng đã cứu được 7 ngư dân, còn một người đang mất tích.