“Feta” là nhãn hiệu đã được Hy Lạp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ EU từ năm 2002 để chỉ loại phô mai được sản xuất theo cách truyền thống từ sữa cừu - hoặc hỗn hợp sữa cừu và dê - tại đất liền Hy Lạp hoặc vùng Lesbos. Năm 2005, Đan Mạch và Đức từng kiến nghị chống lại quyền bảo hộ này, nhưng thất bại.
Dù vậy, Đan Mạch tiếp tục cho phép nông dân sử dụng nhãn hiệu “feta” khi xuất khẩu phô mai ra ngoài khối EU. Copenhagen lập luận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU không có thẩm quyền đối với hàng hóa xuất khẩu.
Phomai feta đã được Hy Lạp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Reuters. |
Khi tình trạng này tiếp diễn, Ủy ban châu Âu - với sự ủng hộ của Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus - quyết định đưa Đan Mạch ra tòa vào năm 2019. Theo nhánh hành pháp của EU, quyết định của chính phủ Đan Mạch tước đi quyền có thu nhập công bằng của nông dân Hy Lạp, cũng như khiến vị thế của EU yếu đi khi đàm phán với các đối tác thương mại.
“Với việc không dừng sử dụng thuật ngữ “feta” cho phô mai được xuất khẩu tới nước thứ ba, Đan Mạch đã không hoàn thành nghĩa vụ theo luật pháp của EU”, ECJ đưa ra tuyên bố hôm 15/7.
Cơ quan này yêu cầu Đan Mạch sớm tuân thủ phán quyết và ngừng sử dụng nhãn hiệu “feta” cho các sản phẩm xuất khẩu. Nếu không, Ủy ban châu Âu có thể tiếp tục đưa vụ việc ra tòa án để khiến Đan Mạch chịu thiệt hại về tài chính.
Theo Hy Lạp, phô mai feta là một phần của lịch sử đất nước, khi người Hy Lạp đã sản xuất feta từ 6.000 năm trước. Sản lượng feta mỗi năm tại quốc gia Nam Âu này là khoảng 120.000 tấn.