Tiền điện tăng cao vô lý
Với lương công chức, chị Trần Thị Hằng, nhà ở đường Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình, TP HCM, ngán ngẩm: Các tháng bình thường, nhà tôi chỉ trả tiền điện khoảng 1,5-1,6 triệu đồng/tháng. Nhưng hai tháng nay, gia đình phải trả mỗi tháng lên tới 2,1-2,2 triệu đồng, tăng khoảng 600.000 đồng.
Để tiết kiệm, trước đây nhà có 3 phòng đều trang bị điều hoà, nay gom hai con trai ở chung một phòng, bố mẹ ở một phòng, để giảm đỡ tiền điện, nhưng cũng không giảm là bao.
Còn chị P.H, ở khu đô thị Văn Quán, Hà Nội, bức xúc: “Trong kỳ tính chỉ số côngtơ tháng 5, lượng điện sử dụng của gia đình tôi tăng lên 799kWh (so với trước chỉ khoảng 490-500 kWh/tháng), và tiền điện phải trả lên tới trên 2 triệu đồng. Trong khi các tháng trước đó, mỗi tháng tiền điện gia đình phải trả 1,1-1,2 triệu đồng”.
Chị thừa nhận, có thể do thời tiết nắng nóng bất thường, thêm vào đó, cậu con trai nghỉ hè ở nhà bật điều hoà, nhưng tiền điện tăng gấp đôi là vô lý.
Thủ phạm do... “luỹ tiến”
Thừa nhận đã xử lý rất nhiều kiến nghị của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện kể từ tháng 4 tới nay (tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới), song đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) lý giải: Tháng 5 và nửa đầu tháng 6, nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ thường xuyên ở ngưỡng 33-40oC, khiến nhu cầu sử dụng điện làm mát của khách hàng tăng vọt. Thời gian dùng điều hoà nhiệt độ tại gia đình tăng cao so với thời điểm bình thường. Theo ghi nhận của ngành điện, trung bình khách hàng sử dụng trên 10 giờ mỗi ngày.
EVN Hà Nội cũng ghi nhận, số liệu đo đếm trên hệ thống điện vào thời điểm tháng 5 và nửa đầu tháng 6, công suất cực đại tháng 5 lên tới 2.987 MW/ngày (ngày 29/5), so với cùng thời điểm năm 2014 là 2.180MW tăng 30,01%. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân 10 ngày đầu tháng 5 (44,3 triệu kWh) và 10 ngày đầu tháng 6 (50,1 triệu kWh) so với 10 ngày đầu tháng 4 (37,4 triệukWh), lần lượt tăng 18,36% và 33,83%.
Tuy nhiên, nắng nóng chỉ là nguyên nhân khách quan. Hầu như năm nào, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng 15-20% trong mùa nóng. Nhưng điều mà người dân quan ngại là cách tính luỹ kế giá điện theo bậc thang của ngành điện, sẽ khiến người sử dụng nhiều sẽ càng phải trả nhiều tiền.
Chị Minh Hằng, ở phường Trung Hoà, Hà Nội, cho biết, cách lý giải của EVN về luỹ kế tiền điện để người dân tiết kiệm điện là chưa thuyết phục. “Phải móc hầu bao trả tiền điện giá cao, không ai là không xót, tự khắc phải tiết kiệm, chứ đâu dùng điện 'chùa' như mấy công sở. Chả có hàng hoá nào mà người dân càng dùng nhiều, càng trả tiền nhiều mà phải ngược lại, nếu xem điện cũng là hàng hoá”, chị Hằng bức xúc.
Tiền điện tăng vọt của một Trung tâm giáo dục trên phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. |
Lý giải cho cách tính giá điện theo luỹ kế đang là “thủ phạm” khiến tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trước, chính đại diện EVN Hà Nội cũng đưa ra phép tính: Chẳng hạn, sản lượng sử dụng điện trong tháng 5 của khách hàng là 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả là 609.015 đồng/tháng. Trong tháng 6, nếu mức sử dụng tăng lên gấp rưỡi (450kWh), số tiền phải trả là 1.062.630 đồng, tức gấp 1,68 lần. Còn nếu mức sử dụng lên đến 900kWh/tháng, số tiền phải trả tương ứng tới 2.307.195 đồng, gấp 3,78 lần.
Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại cho rằng, nguyên nhân khiến tiền điện tăng vọt là do có sự sai sót trong tính toán số điện theo luỹ kế như từng xảy ra ở Điện lực Sóc Sơn khoảng tháng 7/2014. Về vấn đề này, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội khẳng định, đang triển khai hình thức ghi chỉ số côngtơ bằng máy tính bảng tại 29/29 Công ty Điện lực, và gắn thiết bị camera đọc chỉ số côngtơ cho các công ty điện lực nội thành.
Bên cạnh đó, EVN Hà Nội cũng cài đặt chương trình cảnh báo ghi chỉ số côngtơ đối với các côngtơ có có sản lượng tăng đột biến ≥150% so với tháng trước liền kề, để kịp thời phúc tra chỉ số côngtơ, thậm chí mời khách hàng giám sát việc ghi chỉ số. Nếu phát hiện sai phạm, EVN Hà Nội sẽ xử lý nghiêm.