Dân khốn khổ vì nhà thầu cao tốc 34.500 tỷ chậm khắc phục đường
Thứ hai, 5/11/2018 10:07 (GMT+7)
10:07 5/11/2018
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác hơn 2 tháng nhưng chủ đầu tư lẫn nhà thầu chậm khắc phục những hệ lụy khiến cuộc sống người dân khốn khổ.
Toàn cảnh vòng xoay cao tốc ở nút giao thông Trạm thu phí Quảng Ngãi đoạn qua xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), nơi có nhiều hộ dân bị nứt nhà do thi công tuyến cao tốc này. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác 2 tháng nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa khắc phục những tồn tại, vướng mắc liên quan đến nhiều vấn đề dân sinh cho người dân.
Ông Võ Văn Hân (ngụ Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh), cho hay nhà cửa bị hỏng nặng do nhà thầu đầm nén thi công đường cao tốc nhưng chủ đầu tư đền bù chỉ vài triệu đồng. Dọc tuyến cao tốc này ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, hàng trăm hộ dân sống trong sợ hãi do nhà bị rạn nứt, sụt lún vẫn chưa được đền bù hoặc đền bù với giá "rẻ bèo".
Nhiều bức tường nhà dân ở Quảng Ngãi bị nứt toác do thi công đường cao tốc. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương rà soát 500 ngôi nhà ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng bị lún, nứt để đền bù thỏa đáng cho người dân. Tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Những tấm rào chắn an toàn nằm ngổn ngang bên cao tốc đoạn qua xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh). Theo người dân địa phương, do chủ đầu tư chưa đền bù dứt điểm nhà bị nứt trong quá trình thi công, người dân nơi đây ngăn cản đơn vị thi công hàng rào chắn bảo vệ hành lang an toàn cho cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Lãnh đạo xã: Bình Trung, Bình Nguyên, Bình Chánh... (huyện Bình Sơn) đều phản ánh, tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác 2 tháng, nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa khắc phục, hoàn trả các tuyến đường dân sinh. Hiện các tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện "ổ voi, ổ gà" gây ra nhiều vụ tai nạn, nguy hiểm tính mạng cho người dân.
Theo lãnh đạo huyện Bình Sơn, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) từng mượn con đường này chở nguyên vật liệu thi công cao tốc và cam kết sửa đường sau khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên đến nay nhà thầu vẫn chưa hoàn trả hạ tầng khiến người dân đi lại khốn khổ. Ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, yêu cầu công an địa phương vào cuộc điều tra. "Nếu xác định vụ tai nạn nào nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến các nhà thầu chậm sửa đường thì công an lập hồ sơ, xử lý hình sự", ông Yên nói.
Sạt lở mái taluy đoạn qua xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) lộ ra hệ thống cáp ngầm chạy dọc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) thừa nhận vòng xoay cao tốc ở huyện Bình Sơn đang lún quá mức cho phép và cần 300 ngày để khắc phục.
Điểm sạt trượt mái taluy gần mặt cầu vượt cao tốc nối với đường Trì Bình - Dung Quất. Theo lãnh đạo huyện Bình Sơn, nếu dự án vòng xoay này chậm kéo dài, người dân địa phương lẫn doanh nghiệp đầu tư ở Khu kinh tế Dung Quất muốn lên cao tốc để ra Đà Nẵng phải đi đường vòng mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí vận tải. Họ buộc xuất phát từ huyện Bình Sơn vượt đường xa 30 km đến Trạm thu phí Quảng Ngãi, qua xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), hoặc đi xa hơn 40 km ra đến Trạm thu phí Tam Kỳ (Quảng Nam) mới có lối lên cao tốc.
Nhà thầu dựng hàng rào chắn sát với kênh mương thủy lợi, ngăn lối ra đồng ruộng của người dân ở xã Bình Nguyên. Ông Nguyễn Tài Thịnh, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên, cho biết nhà thầu Giang Tô thi công cao tốc làm bồi lấp hệ thống mương tưới tiêu; gây ngập úng gần 4 ha ruộng lúa và đất đá trôi xuống ùn ứ cản trở dòng chảy tại nhiều cầu thoát lũ có nguy cơ gây ngập sâu hơn 100 hộ dân nơi đây trong mùa mưa năm nay.
Hầm chui dân sinh đoạn qua xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) thường xuyên tràn ngập bùn lầy gây cản trở giao thông cho người dân qua lại lao động trên đồng ruộng.
Những ngày mưa, người dân ra đồng đi qua hầm chui dân sinh này phải lội bì bõm sình lầy trơn trượt, thường xuyên bị té ngã. Đại diện VEC thừa nhận do thời gian gấp rút, đảm bảo tiến độ thông xe ngày 2/9 vừa qua nên một số nhà thầu chưa thi công hoàn thiện mái taluy. Do vậy, mưa lớn làm trôi chảy đất đá, bùn nhão xuống hầm, cầu chui cao tốc gây cản trở đi lại cho người dân. Chủ đầu tư cam kết từ nay đến cuối tháng 12 xử lý dứt điểm vấn đề này.
Đơn vị thi công đổ đất làm đường cao tốc gây ngập úng 5 ha ruộng ở xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa hoàn thành kênh thoát nước chống ngập úng cho khu vực này. Ông Hồ Văn Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung, phàn nàn nhà thầu thi công cao tốc chậm hoàn trả nhiều tuyến đường dân sinh. Trong khi đó, họ lại đào đất bùn làm nền đường hoặc hoàn trả lại đường dân sinh với quy mô nhỏ hơn ban đầu (đường rộng 3,5m nhưng làm lại chỉ 3m).
Ông Huỳnh Ngọc Tiến (ngụ huyện Bình Sơn), lo lắng hệ thống cống thoát cao tốc bị bồi lấp đất cát gây cản trở dòng chảy có nguy cơ nhấn chìm nhiều khu dân cư ở phía Tây đường cao tốc trong mùa mưa lũ năm nay.
"Lẽ ra tuyến mương thoát bên cao tốc này dẫn nước về cánh đồng phía Nam nhưng lại chảy ngược về khu vực nhà dân và cầu chui thôn Phú Lễ 1 gây xáo trộn lớn cho sinh hoạt bà con nơi đây", bà Lê Thị Tình (ngụ xã Bình Trung) cho biết.
Nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công cao tốc để những cọc sắt xuyên qua lớp bê tông ở cầu chui Phú Lễ 2, xã Bình Trung. "Khu vực này người dân qua lại đông đúc, nếu không may té ngã va vào nguy hiểm tính mạng", ông Võ Huề (78 tuổi, ngụ huyện Bình Sơn) phản ánh.
Cầu chui xuyên qua cao tốc chỉ cao 3m gây cản trở giao thông cho nhiều xe tải. Lãnh đạo xã Bình Trung cho hay, do trần hầm chui quá thấp nên người dân đành trung chuyển hàng hóa nông sản ở khu phía Tây địa phương bằng xe công nông hoặc xe tải nhỏ vừa mất nhiều thời gian vừa tốn kém nhiều chi phí.
Tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác 2 tháng nhưng hầm chui ở Km 106 + 364,28 qua thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi xuất hiện vết nứt toác kéo dài. Hầm chui qua cao tốc xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài 3 - 4 m khiến người dân qua lại phập phồng lo lắng. Kỹ sư cầu đường Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng, vết nứt này rất nguy hiểm, không phải là nứt do co giãn bê tông mà liên quan kết cấu thép bị thiếu hoặc móng bị lún.
Hàng loạt cây cầu thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua Quảng Ngãi xảy ra sự cố thấm nước mưa khiến người dân bất an.
Nhà thầu thi công hệ thống kênh thoát nước cao tốc đoạn qua huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) còn ngổn ngang. Đất đá, bùn nhão chảy tràn xuống ruộng lúa, vào vườn nhà dân nơi đây.
Hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện đoạn qua xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn). Lãnh đạo huyện Bình Sơn xác nhận, khi có mưa lớn một số khu dân cư dọc theo đường cao tốc bị ngập nước do chưa có hệ thống mương thoát nước. Địa phương này đã gửi văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi sớm can thiệp với chủ đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi xử lý dứt điểm trong khi mùa mưa lũ đã cận kề.
Một số biển báo cao tốc nằm ngổn ngang bên lề đường cao tốc đoạn qua xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh).
Đá dăm vương vãi dày đặc trên đường dẫn vào cao tốc đoạn qua huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và các phương tiện giao thông.
Trước đó, đầu tháng 10, UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (đơn vị được tỉnh giao làm cầu nối) giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án đường cao tốc.
Lãnh đạo địa phương này cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người dân cản trở giao thông trên tuyến cao tốc liên quan đến việc VEC chậm phối hợp giải quyết các vấn đề dân sinh.
Về vấn đề này, trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị Quảng Ngãi tập trung cho công tác GPMB. “Tiền có rồi, chúng tôi thiết tha đề nghị các địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Khi có mặt bằng chúng tôi sẽ thực hiện ngay”, ông nói trước Quốc hội.
Về việc nhà dân bị nứt, Bộ trưởng khẳng định công việc này sẽ được đền bù cho người dân thông qua các cơ quan chức năng như các Sở Xây dựng. UBND các tỉnh cần chỉ đạo Sở Xây dựng, phối hợp với VEC, khảo sát lập chi tiết đền bù cho người dân.
"Nếu thấy kết luận của Bộ GTVT không đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra lại", Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam khẳng định với Zing.vn.
Đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận vòng xoay cao tốc ở huyện Bình Sơn đang lún quá mức cho phép và cần 300 ngày để khắc phục.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD. Các đơn vị ký kết 17 thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ.