Dân khốn khổ vì bệnh viện tiền tỷ rớt hạng thành phòng khám
Thứ bảy, 31/8/2019 09:52 (GMT+7)
09:52 31/8/2019
Sau nhiều lần chuyển giao, sáp nhập, Bệnh viện Dung Quất quy mô 100 giường cùng với trang thiết bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng bỗng rớt hạng thành phòng khám ngoại trú.
Năm 2007, Bệnh viện Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động với 9 khoa phòng, quy mô 100 giường với tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng. Sau 12 năm hình thành, Bệnh viện Dung Quất giờ đây rớt hạng thành phòng khám đìu hiu.
Hiện Khu kinh tế Dung Quất có hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân làm việc trên các công trình, nhà máy và hơn 20.000 người dân, học sinh, sinh viên đang sinh sống làm việc tại đây. Người lao động, người dân khu vực này có nhu cầu khám bệnh, chăm sóc sức khỏe rất lớn.
Từ một bệnh viện quy mô lớn ở Khu kinh tế Dung Quất, giờ đây trở thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, có chức năng như một phòng khám đa khoa, không điều trị nội trú, khiến người lao động, người dân khốn khổ.
Khu Kỹ thuật nghiệp vụ 3 tầng của Bệnh viện Dung Quất hoang vắng. Đầu tháng 6/2011, bệnh viện được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 100% vốn nhà nước (đổi tên thành bệnh viện Dầu khí Dung Quất), hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần song hành theo luật khám chữa bệnh và Luật Doanh nghiệp.
Dãy hành lang khu điều trị nội trú vắng bóng người. Do liên tục hoạt động thua lỗ cùng với việc tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên bệnh viện phải ngừng hoạt động từ ngày 15/9/2014. Đến cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã sáp nhập Bệnh viện đa khoa Dung Quất vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Một điều dưỡng xót xa trước "khối tài sản" lớn của bệnh viện nhiều khoa, phòng, khu điều trị bài bản nhưng không được sử dụng.
Ông Trần Thành (ngụ xã Bình Hải), cho hay khác với trước, mỗi khi đau ốm gì thì đến đây khám, mua thuốc về nhà uống. "Bệnh nặng là chúng tôi phải đi đường xa đến các bệnh viện khác ở tuyến tỉnh hoặc ra Đà Nẵng để điều trị vừa vất vả mất nhiều thời gian vừa tốn kém chi phí lớn", ông Thành nói.
Bà Trần Thị Hồng (ngụ xã Bình Hải) than thở việc người dân tình nguyện nhường đất để xây bệnh viện khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, giờ đây bà con đến khám, lấy thuốc về nhà uống, không thể nằm viện điều trị bệnh thì quá vô lý.
Nhiều khoa, phòng bệnh viện quạnh hiu. Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Sơn, cho hay hiện Bệnh viện Dung Quất trở thành cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện Bình Sơn chỉ khám và điều trị ngoại trú, sơ cứu ban đầu. Do thiếu nguồn nhân lực, các thiết bị, phòng làm việc không sử dụng thời gian dài hư hỏng, xuống cấp.
Nhiều phòng khám bị khóa chặt cửa, niêm phong. Theo bà Thư, việc bệnh viện Dung Quất bị xuống hạng thành phòng khám đã khiến Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn luôn quá tải bệnh nhân nội trú. Trong khi đó, người dân khu Đông của huyện Bình Sơn phải di chuyển đường xa đến các bệnh viện tuyến trên chữa bệnh.
Dù thang máy bị khóa nhưng bảng điện tử vẫn sáng đèn hiện thông số. Hiện các xã khu Đông của huyện Bình Sơn có hơn 100.000 người, chưa kể hàng nghìn người lao động trên công trường, các nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất có nhu cầu khám, chữa bệnh.
Khoa xét nghiệm đóng cửa. Bác sĩ Nguyễn Vân Nam, phụ trách cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, cho hay hiện nay khoảng 20 y, bác sĩ đang làm việc, chủ yếu thực hiện khám, điều trị ngoại trú một số bệnh thông thường. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này khám, điều trị ngoại trú từ 60 - 110 bệnh nhân.
Máy chụp X - Quang trị giá hơn 1 tỷ đồng hiếm khi được sử dụng. Theo bác sĩ Nam, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn đang thiếu y, bác sĩ nhưng vẫn phải điều động nhân lực xuống hỗ trợ cơ sở 2 này hoạt động. Riêng bác sĩ chỉ có 3 người, 2 bác sĩ được điều từ Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, còn 1 bác sĩ là luân phiên từ trạm y tế xã lên.
Máy siêu âm 4 chiều trị giá hơn 1,2 tỷ đồng ngừng hoạt động. "Hiện nay chỉ một số ít khoa, phòng được sử dụng, phần lớn diện tích khu điều trị bỏ không vì không còn hoạt động. Nhiều hạng mục, thiết bị y tế đã hư hỏng, bắt đầu xuống cấp", bác sĩ Nam nói.
Nhiều giường bệnh gỉ sắt, phủ bụi.
Phòng mổ bệnh viện ngừng hoạt động nhiều tháng qua. Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ yêu cầu Sở Y tế xây dựng phương án, cần cân nhắc kỹ về hình thức xã hội hóa; hoàn thiện các giấy tờ, cơ sở pháp lý theo quy định. Trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được, phải tính tới việc phục hồi, nâng cấp đầu tư thành bệnh viện nội trú để khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Khu xử lý nước thải bệnh viện được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, nghiệm thu, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018, sau đó bỏ hoang đến nay.
Do bệnh viện trở thành phòng khám ngoại trú nên công trình không có nước thải để xử lý nên đã đóng cửa từ nhiều tháng qua.
Bệnh viện Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn). Ảnh: Google Maps.
Có những dự án xây bệnh viện (BV) cứ mãi nằm trên giấy, chờ mãi chưa thấy ngày khởi công. Cũng có BV thì xây dở dang rồi bỏ hoang hết năm này sang năm khác.
Bệnh viện ở Chernoby, Ukraine từng điều trị bệnh nhân nhiễm phóng xạ trong thảm họa hạt nhân năm 1986 trở thành một trong những cơ sở y tế bị bỏ hoang đáng sợ nhất thế giới.