Trong đoạn thông điệp trên trang web dành riêng cho các nạn nhân trên tàu Sewol, một người chỉ trích: “Các em học sinh ngâm mình trong vùng biển lạnh giá vì sự thiếu trách nhiệm và vô đạo đức của người lớn. Tôi thấy xấu hổ vì là một người trưởng thành ở đất nước này và không thể làm gì cho những người xấu số”.
Nỗ lực cứu hộ ở khu vực tàu chìm. Ảnh: AP. |
Một người khác cho rằng: “Những đứa trẻ chỉ nghe theo những gì người lớn nói nhưng chúng không thể thoát khỏi con tàu đang chìm. Thật khủng khiếp vì tôi là một phần của cái thế hệ người lớn này, thế hệ làm cho xã hội hoen ố”.
Thảm họa Sewol khiến người dân Hàn Quốc dễ dàng thốt ra những lời chỉ trích đối với cả một thế hệ vì sự thờ ơ và coi thường đạo lý của một cá nhân hoặc tập thể khi để cho người lái thiếu kinh nghiệm làm lật tàu cũng như thủy thủ đoàn không hướng dẫn hành khách về cách thoát hiểm khi tàu gặp sự cố.
Hành vi của người lớn tại hiện trường cũng dễ dàng bị một người bình thường trên phố chỉ trích gay gắt. Một nhân viên văn phòng 46 tuổi buộc tội: “Người lớn thoát thân trước, bỏ rơi những đứa trẻ bên trong con tàu đang chìm. Tôi cho rằng họ đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, khiến tai nạn thảm khốc xảy ra. Khi những sự cố nghiêm trọng xảy ra trong quá khứ, tôi chỉ thấy bàng hoàng. Tuy nhiên, lần này, tôi thấy có lỗi với các em học sinh bởi tôi là một phần của cái thế giới khủng khiếp này”.
Các tàu tham gia cứu hộ Sewol. Ảnh: EPA. |
Theo tờ Korea Joongang Daily, cách hành xử hiện nay của người dân Hàn Quốc dường như chưa từng có tiền lệ dù nhiều tai nạn thảm khốc, như vụ sập cầu Seongsu ở Seoul năm 1994, sập trung tâm thương mại Sampoong năm 1995 hay sự cố ở khu nghỉ dưỡng Mauna hai tháng trước.
Kim Jung Baek, giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee, giải thích: “Vụ tàu chìm và nỗ lực cứu hộ kéo dài trong thời gian dài. Những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường được truyền hình trực tiếp trên khắp cả nước. Những sự cố thảm khốc khác chỉ xảy ra trong chốc lát nên không gây tác động mạnh tới tâm lý người dân như vụ này".
Giáo sư Kim cho rằng: “Bất lực và tội lỗi là cảm giác chung của những người theo dõi nỗ lực cứu hộ và nhìn thấy những thi thể được đưa ra ngoài trong khi không trường hợp sống sót nào được ghi nhận”.
Các bậc phụ huynh ngóng tin con. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, hầu hết các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đều cho con tham dự khóa học tương tự các học sinh trên tàu Sewol. Nhiều người giận dữ khi nghĩ rằng, tai nạn tương tự có thể xảy ra với con mình. Đây là lý do khiến người dân trên khắp Hàn Quốc cảm thấy tội lỗi vì tai nạn chìm tàu, dù nó không thực sự liên quan tới họ.