Những ngày gần đây, đoạn qua làng Lại Bằng 2, xã Hương Vân (thị xã Hương Vân, Thừa Thiên - Huế) xuất hiện "trận địa" cọc tre dài hơn 30 m chắn ngang dòng sông Bồ. Theo người dân địa phương, nạn "cát tặc" hoành hành suốt ngày đêm rút ruột dòng sông, có nguy cơ phá xóm làng của họ.
Người dân dựng con đê bằng cọc tre dài hơn 30 m giữa sông Bồ. Ảnh: Điền Quang. |
Chỉ tay về phía bờ sông xói lở nghiêm trọng, bà Hoàng Thị Thúy (64 tuổi) cho biết khu vực này trước đây là vườn cây, đất hoa màu của người dân. Sau nhiều đợt lũ lớn cộng với việc khai thác cát ồ ạt khiến đất đai bị sạt lở, xói mòn ăn sâu vào làng.
Ồ ạt hút trộm cát
"Ghe máy khai thác cát hoạt động rầm rộ giữa sông. Họ đặt ống hút dài vào tận bờ sông để hút cát trộm", bà Thúy bức xúc nói.
Nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng bất thành, dân làng Lại Bằng huy động mọi người tìm nhiều cách cảnh giới và xua đuổi các ghe máy hút trộm cát. Họ cùng nhau đóng cọc tre, gia cố bờ đá chạy thẳng ra giữa sông hệt như con đê dài hơn 30 m để ngăn nạn "cát tặc".
Ông Phan Văn Dư (43 tuổi), một hộ nuôi cá lồng nằm cạnh con đê cọc tre cho biết từ khi chính quyền tỉnh có chính sách quy hoạch lại việc khai thác cát sỏi trên các sông, giá cát đội lên gấp 3 lần. Nhiều chủ cát sạn đã bất chấp hút cát trộm gần bờ.
Người dân bức xúc về việc tàu thuyền hút cát gần bờ gây sạt lở. Ảnh: Điền Quang. |
"Nhiều lần, ghe máy đi gần bờ sông để hút cát đã tông gãy nhiều lồng cá nuôi của tôi. Tôi đã báo lên chính quyền nhưng sự việc vẫn không được giải quyết", ông Dư nói.
Làng Cổ Bi (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) nằm đối diện bên kia sông Bồ cũng bàn tán làm cọc tre ngăn nạn "cát tặc" như làng Lại Bằng 2 để bảo vệ đất đai xóm làng.
Dân yêu cầu ngừng khai thác
Ngoài việc đóng đóng cọc tre trên sông để ngăn khai thác cát, hàng chục người dân ở Lại Bằng 2 đã kéo lên mỏ cát của Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải ở khu vực Khe Băng để yêu cầu dừng khai thác và di chuyển phương tiện khai thác cát ra khỏi địa bàn.
Các sà lan khai thác cát trên sông Bồ. Ảnh: Điền Quang. |
Theo người dân, doanh nghiệp này đã vi phạm khai thác quá độ sâu cho phép và làm sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhiều cây cối, đất hoa màu. Người dân cũng yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại số cát khai thác được về lại dòng sông và kéo các sà lan khỏi mỏ.
Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền xã Hương Vân đã yêu cầu doanh nghiệp Tuấn Hải tạm ngừng khai thác cát ở mỏ Khe Băng và di chuyển các sà lan rời khỏi mỏ.
Về vấn đề này, lãnh đạo phường Hương Vân cho rằng, việc người dân đóng cọc tre ở sông để ngăn tàu thuyền hút cát theo quy định luật pháp là hành động tự phát, gây nguy hiểm an toàn giao thông đường thủy.
Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch thị xã Hương Trà, cho biết địa phương đang vận động người dân dừng việc đóng và gia cố cọc tre; đồng thời tổ chức đối thoại, lắng nghe kiến nghị của người dân để tìm phương án giải quyết.
"Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hiện trường, tiến hành đo đạc quan trắc lại tọa độ những mỏ cát được tỉnh cấp phép khai thác xem có vượt độ sâu so với giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp hay không", ông Ty nói.
Phường Hương Vân, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Google Maps. |