Sáng 16/8, Công an TP Đà Nẵng tổ chức lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn. Phát biểu tại buổi lễ, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá cao công tác bảo đảm an ninh trật tự của Công an TP Đà Nẵng, nhất là lực lượng CSGT.
Thiếu tướng cho rằng, so với các địa phương khác, TP Đà Nẵng liên tục có những cách làm mới lạ, "khác thường" nhưng lại rất mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả.
Những cách làm như: yêu cầu người vi phạm chép nhiều lần cụm từ "tôi sẽ không tái phạm" hoặc mua kẹo cao su cho người bán hàng rong... rất được báo chí và dư luận đồng tình. Theo thiếu tướng, những cách làm trên không có trong Luật nhưng nó thể hiện sự gần gũi, thân tình của người cảnh sát đối với người dân.
Trang giấy chép phạt mỗi người 30 lần “Tôi hứa không đi ngược chiều nữa” của 4 sinh viên Đà Nẵng. Ảnh: Facebook. |
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị xã hội lớn nên Công an TP Đà Nẵng nói chung và lực lượng CSGT nói riêng phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện để trấn áp người vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thiếu tướng Dánh lưu ý, CSGT khi làm nhiệm vụ, chúng ta cũng hết sức mềm mỏng và khôn khéo. bên cạnh công tác tuyên truyền thì mình cũng phải cương quyết trấn áp những người cố tình vi phạm. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý các đồng chí, trước khi xử phạt người vi phạm thì trong bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm gương trước.
"Trong quá trình làm nhiệm vụ phải có tác phong chuẩn mực, thể hiện sự thân thiện, gần gũi nhưng đồng thời cũng phải nghiêm minh. Phát hiện người vi phạm, dù đó là ai cũng phải xử lý chứ không nể nang rồi nhắc nhở cho qua chuyện", thiếu tướng Dánh yêu cầu.
Lập chốt ở quanh quán nhậu để xử phạt "ma men"
Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn biến phức tạp. Dự báo từ nay đến cuối năm, tình trạng tai nạn giao thông có nguy cơ tăng về số vụ, số người chết và bị thương.
CSGT Đà Nẵng sẽ tăng cường lực lượng để kiểm tra, xử phạt những người có nồng độ cồn trong máu quá ngưỡng cho phép. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Ngọc cũng cho biết thêm, CSGT Đà Nẵng đang nghiên cứu các quy định của pháp luật để tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ban hành quy định cấm bán rượu bia sau 22h hàng ngày.
"Cái này mới là ý tưởng nhưng chúng tôi nghĩ cũng cần có những quy định cụ thể để yêu cầu các nhà hàng, quán nhậu hạn chế việc bán rượu bia khi thực khách đã uống quá nhiều", đại tá Ngọc nói.
Thừa nhận, nếu ban hành quy định trên sẽ gặp khó khăn trong quá trình triển khai nhưng ông Ngọc cho biết, Đà Nẵng sẽ có cách làm linh hoạt hơn. Cụ thể, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND TP, các Sở ngành có liên quan làm việc với chủ các nhà hàng, quán nhậu ký cam kết hạn chế bán rượu bia cho thực khách sau 22h.
"Về lâu dài, TP cũng cần quy hoạch lại thành các khu ẩm thực phục vụ người dân và du khách về đêm. Các nhà hàng, quán nhậu ở những khu vực này được phép bán rượu bia sau 22h nhưng phải bố trí đội xe taxi, xe ôm... để đưa những vị khách có dấu hiệu say xỉn về nhà", đại tá Ngọc nói.
Theo vị lãnh đạo này, trước mắt, bên cạnh việc cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thì đơn vị sẽ cử người lập chốt ở khu vực gần các quán nhậu lớn. Nếu thấy những vị khách có dấu hiệu say xỉn, không đủ năng lực điều khiển phương tiện thì sẽ yêu cầu họ gửi xe lại rồi bắt taxi về nhà.
"Mục đích của việc làm này là đảm bảo an toàn tính mạng cho chính những người tham gia giao thông. Còn nếu họ cố tình không nghe, chống đối thì chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để trấn áp, lập biên bản và xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016", đại tá Ngọc, nói.