Giới chức Bangladesh ngày 5/8 thông báo giá bán lẻ xăng sẽ tăng 51,7% và giá dầu diesel tăng 42,5% kể từ nửa đêm. Đây là tỷ lệ tăng kỷ lục mà quốc gia Nam Á này từng ghi nhận.
Sau thông báo trên, người dân Bangladesh chạy đua tới các trạm xăng trên khắp đất nước để đổ đầy bình trước khi quyết định tăng giá có hiệu lực.
Cảnh tượng đông đúc ở một cây xăng tại thủ đô Dhaka hôm 5/8. Ảnh: AFP. |
Theo người Bangladesh, việc giá xăng dầu tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng tới hàng chục triệu người nghèo, vốn sử dụng xăng dầu để vận hành máy bơm thủy lợi và các phương tiện giao thông.
Một số cây xăng đã dừng bán hàng sau tuyên bố của chính phủ. Tại thành phố Sylhet, Đông Bắc Bangladesh, các nhà bán lẻ thậm chí cố gắng tăng giá xăng ngay trong ngày 5/8, AFP dẫn nguồn tin của ông Nisharul Arif, chỉ huy cảnh sát địa phương.
“Người dân tụ tập và biểu tình trước tất cả cây xăng tại Sylhet”, ông Arif nói. Các cuộc biểu tình cũng được ghi nhận ở một số thành phố khác.
Bộ trưởng Năng lượng Bangladesh Nasru Hamid tuyên bố yếu tố thúc đẩy quyết định tăng giá là thị trường thế giới. “Nếu tình hình trở lại bình thường, giá xăng sẽ theo đó mà được xem xét lại”, ông nói.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát hồi tháng 2, Bangladesh đã chịu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao. Một số nhà máy phát điện tại quốc gia này gặp khó khăn để tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu - thậm chí phải đóng cửa - dẫn đến tình trạng cắt điện kéo dài.
Bangladesh đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ 4,5 tỷ USD để cải thiện tình hình tài chính, vốn đã thâm hụt 17 tỷ USD. Trong 3 tháng qua, giá trị đồng nội tệ taka của Bangladesh sụt giảm 20% so với đồng USD, khiến Dhaka gặp thêm khó khăn.