Abhirami, người bị cắn vào tháng 8, đã chết hôm 5/9 tại bệnh viện. Đây là ca tử vong thứ 21 do bệnh dại ở Kerala trong năm nay, BBC đưa tin ngày 6/9.
Nạn nhân trước đó đã được tiêm 3 liều vaccine phòng dại và chuẩn bị nhận liều thứ 4, các báo cáo cho biết.
Tòa án Tối cao của Ấn Độ ngày 9/9 sẽ xem xét một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ liên bang và tiểu bang hành động nhằm loại bỏ chó hoang.
Tòa án đã quyết định dời ngày ra phán quyết lên sớm hơn sau khi luật sư VK Biju hôm 5/9 nêu rõ vấn nạn chó cắn người ở Kerala và đề cập đến tình trạng của Abhirami (trước khi cô bé qua đời).
Bản kiến nghị cũng yêu cầu hủy bỏ bộ quy định Kiểm soát Sinh sản cho Động vật được đưa ra vào năm 2001. Theo bộ quy định này, chó vô chủ sẽ được bắt và đem đi triệt sản, tiêm phòng rồi trả về khu vực nơi chúng được đưa đi.
Ấn Độ có khoảng 15,3 triệu con chó hoang vào năm 2019. Ảnh: Abid Bhat. |
Các nhà hoạt động vì quyền động vật cho rằng đây là cách nhân đạo và hiệu quả nhất để kiểm soát số lượng chó hoang và giảm tình trạng chó cắn người. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chương trình này không được thực hiện đúng cách và nói rằng giải pháp tốt nhất là tiêu diệt chúng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bệnh dại là bệnh lưu hành ở Ấn Độ, chiếm 36% số ca tử vong do bệnh dại trên thế giới.
"Gánh nặng thực sự của bệnh dại ở Ấn Độ chưa được thống kê đầy đủ, dù theo thông tin hiện có, nó gây ra 18.000 - 20.000 ca tử vong mỗi năm ở nước này", WHO cho biết.
Chó hoang là vấn đề nhạy cảm ở Ấn Độ, và thường liên quan đến các cuộc tranh cãi giữa những người yêu động vật và cư dân địa phương.
Một bộ trưởng liên bang hồi tháng 8 nói với Quốc hội Ấn Độ rằng có 15,3 triệu con chó hoang ở nước này vào năm 2019, theo báo cáo thống kê Điều tra Chăn nuôi. Ông cho biết con số trên đã giảm 10% so với 17,1 triệu con được ghi nhận vào năm 2012.
Kerala, nơi có 290.000 con chó hoang, đã thực hiện một số chiến dịch đưa các con vật ra khỏi các khu dân cư.
Vào năm 2016, chiến dịch tiêu diệt chó hoang - do một số người dân ở Kerala phát động sau khi nạn chó cắn người gia tăng trong khu vực - đã khiến các nhà hoạt động vì quyền động vật tức giận.
Một năm trước đó, những người yêu chó đã thực hiện chiến dịch tẩy chay trên mạng xã hội, với hashtag #BoycottKerala, nhằm phản đối đề xuất loại bỏ chó hoang của bang Kerala.