Basho, bậc thầy thi ca Nhật, có lần gặp một người; người đó mang một bài thơ của anh ta đến và đọc: “Chuồn chuồn ngô / Ngắt cánh / Quả ớt". Basho đã đọc ngược bài thơ: “Quả ớt / Chắp cánh / Chuồn chuồn ngô”. Basho giải thích nếu nhìn con chuồn chuồn ngô khi ngắt cánh đi thành quả ớt thì đó là cách tư duy lụi tàn. Nhưng ta đọc ngược, chắp cánh cho quả ớt thành chuồn chuồn ngô có thể bay lên.
Đó là câu chuyện mà nhà báo, tác giả Phan Đăng kể trong buổi giao lưu với bạn trẻ tại Phố sách Hà Nội hôm 28/1. Trong buổi giao lưu chủ đề “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời”, Phan Đăng cùng các tác giả khác chia sẻ góc nhìn về sự thay đổi.
Nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực
Về câu chuyện thay đổi cách đọc bài thơ của Basho, nhà báo Phan Đăng nói: “Khi thay đổi góc nhìn, một hiện tượng lụi tàn sẽ được chắp cánh để bay lên. Điều đó cho thấy mỗi sự vật hiện tượng đều có chừng ấy chi tiết thôi. Ai tổ chức sự kiện, chi tiết tiêu cực thì sự việc sẽ tiêu cực; ngược lại, vấn đề sẽ tích cực cho người biết thay đổi, sắp xếp cách nhìn”.
Các tác giả trò chuyện về chủ đề thay đổi tư duy hôm 28/1 tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: L.A. |
Thay đổi tư duy, ta ứng xử thế nào trước nỗi đau, trước bi kịch? Nếu ta đổi tư duy, ta thấy trong nỗi đau có cơ hội, trong bi kịch có ánh sáng thì sau cánh cửa đóng lại thì cánh cửa khác mở ra.
Cùng quan điểm, nhưng bằng trải nghiệm của bản thân, tác giả Hồng Nguyễn nói về thay đổi tư duy trong cuốn Phụ nữ và tự do. Ngay phần mở đầu cuốn sách, tác giả đã kể về nỗi đau, bão tố mình gặp phải; sau đó là hành trình thay đổi cách nhìn.
10 năm trước, tác giả Hồng Nguyễn gần 30 tuổi, là nhân viên công sở, đối mặt những lo lắng cho một tương lai mà tài chính chưa đủ bền vững. Khi còn trẻ, ta có nhiều ước mơ mà không biết làm thế nào để chạm tay đến ước mơ ấy. Sẽ ra sao nếu mình bị phán xét, bị tụt hậu và làm thế nào để thoát ra khỏi vùng an toàn để tìm đến một chân trời tự do? Đó không chỉ là trăn trở của Hồng Nguyễn mà còn là băn khoăn của rất nhiều người phụ nữ hiện đại, muốn vươn lên để sống hạnh phúc.
Từ một người học chuyên Toán, một nhân viên công sở, chị bước ra làm chủ công việc kinh doanh của mình. “Kinh doanh không chỉ có tiền bạc là đích đến. Sự bồi đắp trí tuệ, tư chất, linh hoạt, kỹ năng kết nối với người khác cũng hình thành cùng công việc kinh doanh", Hồng Nguyễn nói.
Chị viết cuốn sách Phụ nữ và tự do với mong muốn chia sẻ với bạn đọc nữ những trải nghiệm của mình. Cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất nói về thay đổi tư duy, cách nhìn tích cực. Khi ta thay đổi góc nhìn, mọi vấn đề có thể sẽ nhẹ nhàng, bình an hơn. Phần hai, tác giả chia sẻ việc mình muốn trở thành người như thế nào trong cuộc đời này, mình có thể làm gì, kiến tạo điều mình mong muốn. Phần ba là kinh nghiệm kinh doanh và quản lý tài chính cá nhân; với phụ nữ, tự chủ tài chính rất quan trọng để có cuộc sống độc lập, vững vàng.
“Tôi tin một người phụ nữ có thể làm chủ tinh thần, tài chính, có thể kiến tạo là người sống cuộc đời đáng sống”, Hồng Nguyễn nói.
Tác giả Hồng Nguyễn. Ảnh: FBNV. |
Đừng chờ cơ hội vàng mới thay đổi
Nhà báo Tuấn Anh, tác giả loạt sách hướng nghiệp cho sinh viên Trường học hay trường đời, cho rằng trong cuộc sống ta luôn gặp những điểm cần đưa ra quyết định, cần đổi thay. Bước ngoặt của anh là việc tham gia xuất bản sách.
Trước đây, anh chủ yếu dành thời gian làm báo. Từ một cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên, trợ lý thư ký tòa soạn, thư ký tòa soạn, phụ trách chuyên trang Sinh viên Việt Nam… mọi thứ cứ tuần tự diễn ra với anh.
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2015. Lúc đó anh được thuê làm sách cho một nhân vật gây tranh cãi rất nhiều. Anh chấp bút cuốn sách đầu tiên của TS Lê Thẩm Dương, đưa sách trở thành hiện tượng xuất bản. Anh còn giúp TS Lê Thẩm Dương xuất bản thêm 8 cuốn sách nữa, không thành hiện tượng nhưng vẫn là sách bán chạy.
Sau đó, nhà báo Tuấn Anh được mời viết sách của nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing châu Á. Để viết cuốn sách này, anh phải học hai năm về marketing, nhân sự. "Kiến thức marketing ngấm vào tôi, khiến tôi đặt ra 3 câu hỏi: Công việc mình đang làm có phải việc mình thích nhất không, công việc đó mình có làm giỏi không, công việc đó có mang tài chính nhiều nhất không?". Trả lời xong 3 câu hỏi, anh quyết định phát triển bản thân ở lĩnh vực mới: tư vấn xuất bản sách.
Bàn về thời điểm thay đổi tư duy, nhà báo Phan Đăng cho rằng trong cuộc sống, ta luôn cần đưa ra quyết định, lựa chọn của mình. Sẽ không có cái gọi là "thời điểm vàng" để thay đổi tư duy.
Theo Phan Đăng, ta đừng ám ảnh chữ “vàng”, mà hãy nhìn vào cơ hội. Nếu ta biết chắc cơ hội đó là vàng thì dễ quá. Nhưng đứng trước cơ hội, ta không biết nó là vàng, bạc hay đồng, chì... Trước cơ hội, nên thay đổi tư duy. Khi nào đứng trước một vấn đề, ta vẫy vùng mà chưa tiến triển, bế tắc, thì hãy suy ngẫm lại. Đó là lúc cần thay đổi tư duy, bay khỏi vùng an toàn. Thay đổi cũng có thể thất bại. Nhưng cách ta ứng xử với bế tắc cũng rất quan trọng. Nếu cứ chờ cơ hội vàng thì sẽ cản trở sự thay đổi, tư duy tích cực của chính mình.