Bạn trẻ đọc sách tại Phố sách Hà Nội. Ảnh: Phương Lâm. |
Đặt mục tiêu đọc là cách để nâng cao lượng kiến thức thu nạp, đồng thời việc đọc có kế hoạch cũng giúp hệ thống hóa được kiến thức mà ta tiếp nhận.
Đọc sách có kế hoạch
Kể từ năm 2020, Nguyễn Vân Anh (21 tuổi, trú tại quận 7, TP.HCM) bắt đầu biết đến các ứng dụng mạng xã hội dành cho người yêu sách như Goodreads, Litsy. Thấy nhiều người chia sẻ câu chuyện về quá trình đọc sách của mình trong cả một năm, Vân Anh cũng muốn viết lên câu chuyện của riêng mình. Vì vậy, Vân Anh quyết định tham gia vào thử thách đọc nhiều trang sách nhất có thể trong một năm.
"Việc tham gia thử thách này giúp em định hình luôn quá trình đọc của mình từ đầu năm. Nhờ thông tin từ các nhà xuất bản đăng tải trên fanpage và tìm hiểu của bản thân, em có thể chắc chắn được đến 90% số sách em sẽ đọc trong năm sau. Trường hợp còn lại là sách bị lùi lịch ra mắt hoặc có thể em sẽ mua sách mới. Riêng năm nay em đặt mục tiêu đọc được 7000 trang sách tức khoảng 25-27 cuốn", Vân Anh chia sẻ.
Bạn đọc còn cho biết các cuốn sách được xếp theo danh sách sẽ có nhiều kiểu. Vân Anh lựa chọn sắp xếp đan xen giữa thể loại phi hư cấu và hư cấu để quá trình đọc không bị nhàm chán. Đặc biệt, đối với dòng phi hư cấu, Vân Anh có thể chọn những cuốn khó và đọc thêm một cuốn khác song song để bổ trợ kiến thức và tra cứu các thông tin liên quan.
Chẳng hạn khi đọc cuốn Những tù nhân của Địa lý, Vân Anh sẽ đọc thêm cuốn Lịch sử văn minh thế giới để kiểm tra thông tin cũng như hiểu rõ hơn các ví dụ của tác giả. Việc đọc sách được sắp xếp lại như một tiến trình và tránh trường hợp độc giả "đốt cháy giai đoạn" đọc đến những cuốn đòi hỏi quá nhiều kiến thức nền mà bản thân chưa kịp trau dồi.
Các bạn trẻ có thể đặt mục tiêu đọc sách và nhận thống kê số trang dễ dàng hơn bằng các loại sách điện tử. Ảnh: Thảo My. |
Đặt mục tiêu để đọc được nhiều sách hơn
Không chỉ hướng đến việc mở rộng lĩnh vực, các bạn trẻ còn đặt ra những mục tiêu nâng số lượng sách mình có thể đọc được trong vòng một năm. Phạm Huyền Trang (sinh năm 1996, quận 4, TP.HCM) cho biết: "Việc đọc sách theo một kế hoạch đã giúp tôi rèn luyện cho mình thói quen đọc đều đặn hơn. Trước đó tôi chỉ đọc khoảng 12-13 cuốn/năm. Nhưng năm 2022 vừa qua tôi đã đọc đến 18 cuốn. Tôi tự tin rằng mình có thể đọc được hơn 20 cuốn trong năm 2023".
Trang còn nhận thấy rằng việc đặt ra mục tiêu khi đọc sách giúp cho việc đọc có động lực rõ ràng hơn. Ban đầu Trang nhận thấy việc này rất khó bởi Trang chỉ sử dụng sách khi cần nghiên cứu, tham khảo. Nhưng rồi Trang bắt đầu cảm thấy hứng thú hơn khi đọc đến những quyển sách có các đề tài thú vị và thiết thực.
Từ đó, Trang quyết tâm thực hiện đọc sách nhiều hơn như một cách để làm giàu cho kiến thức của mình. Trang sẽ tự sắp xếp làm sao để mỗi tuần có thể đọc được 100-120 trang sách. Số trang cứ tăng dần tăng dần.
"Sau khoảng 3 tháng duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, tôi cảm thấy bản thân mình như được làm mới. Mỗi ngày thay vì chờ đợi tin nhắn ai đó, tôi có thể chờ đợi để đọc tiếp phần sau của cuốn sách mình còn bỏ dở", Trang tâm sự.
Hiện nay có rất nhiều các ứng dụng, mạng xã hội hỗ trợ người yêu sách theo dõi được thói quen đọc cũng như đặt mục tiêu của bản thân cho cả năm.
Với mạng xã hội Goodreads, độc giả có thể theo dõi tiến trình đọc thông qua thống kê số trang. Có các cấp độ riêng dành cho mỗi mốc số trang mà độc giả đọc hết như: Bibliophage (danh hiệu cho người đọc hơn 40.000 trang/năm), Bibliognost (danh hiệu cho người đọc hơn 1000 trang sách/năm)...
Còn với mạng xã hội Reddit, Litsy, độc giả có thể theo dõi được các cuốn sách đang trở thành chủ đề bàn tán chính dựa trên lượt "vote up" của bài đăng. Tiktok, Youtube hay một số nền tảng video ngắn khác có thể giúp bạn tham khảo được các phần review sách ngắn. Cùng với đó, một số tác vụ của các dòng sách điện tử cũng có thể giúp độc giả theo dõi tiến trình đọc và có thể ghi lại số sách đã đọc trong một năm.