Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đàm phán TPP bế tắc vào phút chót

Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa thể chính thức đồng thuận sau một tuần họp căng thẳng.

a
Đại diện thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii, Mỹ ngày 30/7. Ảnh: Nikkei.

"Chúng tôi đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong các cuộc họp vừa qua. Chúng tôi sắp tiến tới bước thống nhất thỏa thuận. Tôi tự tin rằng TPP đã sắp hoàn thành. Tôi rất ấn tượng với những kết quả đạt được", Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói ngày 31/7.

Tuy nhiên, kết quả này khiến những nhà đàm phán thất vọng. Theo trang Politico, những bất đồng chủ yếu liên quan đến ngành nông nghiệp, ôtô và những yêu cầu bảo hộ mạnh mẽ đối với ngành dược phẩm mà Mỹ đưa ra.

Việc chưa thể đạt thỏa thuận sau cuộc họp có thể coi là thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Reuters.

Cuộc đàm phán tuần qua được xem là cơ hội cuối cùng để hoàn thành và trình lên Quốc hội Mỹ trong năm nay, trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra năm 2016.

Dù cuộc họp đạt nhiều tiến triển theo lời Froman, những bất đồng chủ chốt vẫn chưa thể giải quyết sau 4 ngày thảo luận. New Zealand khẳng định họ sẽ không ủng hộ nếu thỏa thuận không quy định mở cửa thị trường ngành sữa. Điều này nhằm thẳng vào các nước như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.

Các bộ trưởng cũng chưa thể nhất trí về thời gian bảo hộ dữ liệu công thức sản xuất dược phẩm. Thành viên một nước tham gia đàm phán cho biết, đây là điều khiến các nước thất vọng nhất. Những công ty dược của Mỹ muốn thời gian này là 12 năm, Australia thẳng thắn đề nghị mức 5 năm, trong khi một số nước khác đề nghị thời hạn từ 7 đến 8 năm. "Không bên nào chịu nhượng bộ, họ đều cho rằng đây là vấn đề gai góc", người này nói với Reuters.

Nhật Bản và Mỹ cũng chưa thể dàn xếp quan điểm về nguồn gốc thành phần sản xuất ôtô. Đây là điều quan trọng để khẳng định sản phẩm do một nước trong khu vực mậu dịch tự do sản xuất, nên nó sẽ được hưởng các tiêu chuẩn về miễn hoặc giảm thuế.

Các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản sử dụng các bộ phận làm từ Thái Lan vốn không phải là nước tham gia TPP, nên các quy định chặt chẽ của thỏa thuận sẽ gây sức ép lên chuỗi cung ứng.

Việc đạt thỏa thuận và TPP được quốc hội phê chuẩn càng kéo dài thì khả năng rủi ro càng cao. Năm 2016, dưới sức ép của các liên đoàn và những nhóm bảo vệ môi trường, bà Hillary Clinton và các ứng viên Dân chủ có thể buộc phải từ bỏ sự ủng hộ đối với hiệp định.

"Đây là một bước lùi đáng kể khi các nước không thể nhất trí với nhau. Tuy nhiên, cơ hội không hẳn đã kết thúc. Họ cần nỗ lực để chốt lại thỏa thuận vào giữa tháng 8", chuyên gia Gary Hufbauer (Viện Kinh tế Quốc tế Peterson), nói.

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb cho biết, bất đồng chủ yếu nằm ở 4 nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. "Điều đáng buồn là dù chúng tôi đã nhất trí 98% các vấn đề" nhưng vẫn chưa thể chốt thỏa thuận.

Đàm phán TPP diễn biến phức tạp trong giai đoạn nước rút

Cuộc đàm phán đa phương giữa đại diện 12 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra phức tạp, với những vướng mắc chưa được giải quyết.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm