Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 22/3, giá dầu Brent đã tăng thêm thêm 3 USD, tương đương 2,63%, hiện được giao dịch ở ngưỡng 118,6 USD/thùng. Dầu WTI tăng 2,4 USD, tương đương 2,13%, lên mức 114 USD/thùng.
So với tuần trước, giá hai loại dầu đều tăng gần 19%. Song, đây không phải mức tăng cao khi giá năng lượng bắt đầu lao dốc mạnh từ ngày 9/3 và chạm đáy 97,4 USD/thùng đối với dầu Brent và 94,05 USD/thùng với WTI vào ngày 16/3.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thế giới đã tăng gấp 2 lần. Ngoài dầu thô, giá các loại năng lượng khác chỉ tăng nhẹ và không biến động rõ rệt.
Dầu thô thế giới đảo chiều và tăng trở lại hôm 17/3. Ảnh: Trading Economics. |
Theo giới phân tích, hai yếu tố chính thúc đẩy giá dầu là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine và tình hình khống chế dịch bệnh ở Trung Quốc.
Hôm 21/3, phái đoàn Nga-Ukraine có cuộc đàm phán dài 90 phút. Dù đã là cuộc đàm phán thứ 4, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến chấm dứt xung đột.
Trong phân tích trước đó của ANZ Research, hai chuyên gia Brian Martin và Daniel Hynes cho rằng việc các cuộc thảo luận giữa Nga-Ukraine liên tục thất bại là lý do đẩy giá dầu lên cao.
"Việc ngành công nghiệp không có cách nào lấp đầy khoảng trống do nguồn cung dầu Nga để lại đã dấy lên những lời kêu gọi cắt giảm nhu cầu sử dụng dầu", các chuyên gia nhận định.
Điều đáng nói, theo ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia, nguyên nhân khiến giá dầu hạ nhiệt giai đoạn trước đó xuất phát từ việc thị trường định giá năng lượng với kịch bản sẽ có một giải pháp ngoại giao được đưa ra.
Do đó, sự thất bại trong đàm phán giữa Nga-Ukraine là "gáo nước lạnh" dội lên thị trường và buộc giá dầu quay trở lại đà tăng.
Trong khi đó, sau khi khống chế được bệnh dịch, giới chức Thâm Quyến đã cho nới lỏng lệnh nhiều hạn chế và nối lại hoạt động của nhiều nhà máy.
Tại 5 quận trong thành phố, người dân đã có thể đến văn phòng và làm việc, các phương tiện giao thông công cộng cũng được phép hoạt động. Sự trở lại của các thành phố lớn tại Trung Quốc có thể gây thêm áp lực lên nguồn cung vốn đang hạn chế.