- Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán lần thứ hai
- Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng các chính trị gia phương Tây bị ám ảnh về ý tưởng chiến tranh hạt nhân
- Tổng thống Putin nói Kyiv càng trì hoãn đàm phán thì Nga sẽ càng nối dài các yêu sách
Một video ngắn cho thấy phái đoàn Ukraine vào phòng họp khi phái đoàn Nga đã ngồi đợi từ trước. Hai bên bắt tay trước khi ngồi xuống và bắt đầu thảo luận.
Trước đó, hãng thông tấn TASS cho biết phái đoàn Ukraine tới địa điểm đàm phán với Nga ở Belarus bằng trực thăng.
Đây là vòng đàm phán thứ hai giữa phái đoàn Nga và Ukraine.
Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán vòng thứ hai ngày 3/3. Ảnh: Reuters. |
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak viết trên Twitter: “Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với các đại diện Nga. Các vấn đề mấu chốt trong chương trình nghị sự bao gồm: Ngừng bắn ngay lập tức, thỏa thuận đình chiến, các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi những làng/thành phố bị phá hủy hoặc liên tục bị pháo kích".
Hôm 2/3, Bộ Ngoại giao Belarus đã đăng tải bức ảnh phòng hội nghị và nói rằng phòng này được chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine.
Khung cảnh phòng đàm phán do Bộ Ngoại giao Belarus công bố. Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus. |
Ông Davyd Arakhamia, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cho biết cuộc thảo luận sẽ hướng đến việc thiết lập hành lang nhân đạo trước khi tiến tới những vấn đề khác.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết vòng hai của cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Belarus lúc 3h (giờ địa phương).
Một thành viên đoàn đàm phán Nga cho biết một lệnh ngừng bắn nằm trong nghị trình của cuộc đàm phán, theo Guardian. Tuy vậy, phía Ukraine gọi các yêu sách của Nga là “không thể chấp nhận”, cũng như yêu cầu Nga phải ngừng ném bom các thành phố Ukraine để có bất cứ tiến triển nào.
Hình ảnh từ cuộc đàm phán Nga - Ukraine ở Belarus hôm 28/2. Ảnh: TASS. |
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga đang tiếp tục chiến dịch quân sự trên khắp các hướng tấn công tại Ukraine. Nga đã kiểm soát thành phố Kherson, miền Nam Ukraine, trong khi bao vây thành phố Mariupol thuộc tỉnh Donetsk.
Hôm 2/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Ngoài Nga, Belarus, Syria, Eritrea và Triều Tiên là những quốc gia không đồng thuận với nghị quyết trên.
Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra hôm 28/2 tại khu vực Gomel gần biên giới giữa Ukraine và Belarus. Sau 5 giờ đàm phán, quan chức hai nước cho biết đã xác định được một số chủ đề ưu tiên, trước khi quay trở lại thủ đô để tham vấn lãnh đạo mỗi bên.
Tổng thống Putin quyết tâm thực hiện mục tiêu tại Ukraine
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 3/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mục tiêu của nước này khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine - “phi quân sự hóa” Ukraine và giữ Kyiv trung lập - sẽ được thực hiện “dù bất cứ chuyện gì xảy ra”, theo Reuters.
Ông Putin cũng cảnh báo mọi nỗ lực trì hoãn đàm phán của Kyiv sẽ dẫn tới việc Nga tăng cường yêu sách.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Điện Kremlin hồi đầu tháng 2. Ảnh: EyePress News/Rex/Shutterstock. |
Ngoại trưởng Nga: Phương Tây ám ảnh với "chiến tranh hạt nhân"
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 3/3 cáo buộc rằng ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân đang ám ảnh các chính trị gia phương Tây, chứ không phải người Nga.
“Rõ ràng Thế chiến thứ ba chỉ có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân”, ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với truyền thông trong nước và quốc tế ngày 3/3, theo AP.
"Nhưng tôi muốn chỉ ra rằng ý tưởng về một cuộc chiến tranh hạt nhân đang liên tục xoay vần trong đầu các chính trị gia phương Tây, chứ không phải người Nga. Do đó, tôi đảm bảo rằng người Nga sẽ không cho phép bất kỳ hành động khiêu khích nào làm chúng tôi lúng túng”, ông nói.
Tàu hàng Estonia trúng mìn ngoài khởi cảng Odessa
Theo Reuters, một tàu hàng của Estonia chìm ngoài khơi cảng Odessa ngày 3/3 sau một tiếng nổ lớn. Ông Igor Ilves, Giám đốc điều hành công ty sở hữu con tàu, nhận định tàu có thể đã đâm phải mìn.
“Con tàu cuối cùng đã chìm”, ông Ilves nói. “Hai trong số các thuyền viên đang ở trên phao cứu sinh, trong khi bốn người khác mất tích. Tôi không biết họ đang ở đâu”.
Trước đó, tối 2/3, một tàu hàng Bangladesh cũng trúng bom hoặc tên lửa ở cảng Olvia, khiến một kỹ sư thiệt mạng.
“Chưa rõ con tàu bị tấn công bởi bom hay tên lửa, hay chúng đến từ phía nào”, ông Pijush Dutta, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vận tải biển Bangladesh, nói với Reuters. “28 người còn lại trên tàu không bị thương”.
Con tàu này bị mắc kẹt ở cảng Olvia từ hôm 24/2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, theo một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Bangladesh.