Đám cưới xa hoa, vợ khoe hàng hiệu - quan chức tự huỷ hoại hình ảnh
Một trong những cách dễ huỷ hoại hình ảnh của chính trị gia nhất chính là cho công chúng thấy họ đang có cuộc sống xa hoa, hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của xã hội.
Tháng 7 vừa rồi, Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy đã đệ đơn từ chức sau nhiều ngày hứng chịu chỉ trích vì ăn tối với rượu vang và tôm hùm đắt tiền. Ông bị cáo buộc dùng tiền ngân sách cho bữa tiệc xa xỉ và sử dụng nhà ở công sai mục đích.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Giao thông Mexico Gonzalez Blanco cũng phải từ chức vì để một chuyến bay chờ mình, làm trễ 40 phút. Sự đặc quyền, đặc lợi của bà đã phá hoại hình ảnh công chúng mà một bộ trưởng giao thông cần phải có.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, cách từ chức của bà đã cứu vớt được một phần hình ảnh chính phủ Mexico. Với lời khẳng định “không ai nên được hưởng đặc quyền và đặt lợi ích của bản thân – dù ngay cả trong lúc đang thực thi nhiệm vụ - lên lợi ích của số đông” thì bà Gonzalez Blanco đã khẳng định được mình là một bộ trưởng có liêm sỉ.
Ở nhiều nước trên thế giới, hình ảnh công chúng là vốn chính trị lớn nhất. Xây dựng và giữ gìn hình ảnh công chúng đối với họ vì vậy là hết sức quan trọng, như bản năng sinh tồn.
Tháng 7/2018, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) Scott Pruit cũng rút lui sau hàng loạt sai phạm về đạo đức, nổi bật trong đó là việc dùng tiền thuế của dân trái với quy định để ở khách sạn đắt tiền hay bay ghế hạng thương gia trong các chuyến công tác.
Hình ảnh công chúng là tổng thể chính kiến, cảm nhận về một cá nhân hay tổ chức nào đó. Đây là hình ảnh tồn tại trong lòng công chúng, chứ không hẳn là hình ảnh mà một quan chức hay một tổ chức muốn có.
Hình ảnh công chúng có thể tốt, mà cũng có thể xấu. Với hình ảnh tốt, chủ nhân của nó sẽ được ủng hộ và tin tưởng. Chủ nhân của hình ảnh xấu rao giảng gì cũng bị công chúng hiểu ngược lại. Thông điệp của cá nhân này gần như không bao giờ đến được với công chúng.
Xây dựng một hình ảnh tốt vì vậy là rất quan trọng cho các chính khách, hay như ở ta là cho các cán bộ.
Ở nhiều nước trên thế giới, hình ảnh công chúng là vốn chính trị lớn nhất. Đơn giản là vì không có một hình ảnh tốt, các chính khách sẽ không bao giờ được dân bầu. Xây dựng và giữ gìn hình ảnh, đối với họ, vì vậy là hết sức quan trọng, như bản năng sinh tồn.
Một vài ví dụ: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quỳ gối khi lắng nghe các bậc cao niên; Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đạp xe đạp đi làm và dừng xe bắt tay người dân thân thiện trên đường phố; hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau chạy bộ giữa đường phố, vẫy tay chào người dân…
Dù đã có nhiều ý kiến cho rằng những lần chạy bộ của Thủ tướng Trudeau chỉ là dàn dựng khéo léo để thu hút chú ý, cũng không thể phủ nhận tất cả các chính khách trên đều cố gắng đến mức cao nhất để có một hình ảnh bình dị, hòa đồng, dễ mến.
Thiếu một sự thấu hiểu, hòa đồng với công chúng, không ít cán bộ trở thành một tầng lớp tách rời trong xã hội.
Trong bối cảnh đó, một trong những cách dễ huỷ hoại hình ảnh của chính trị gia nhất chính là cho người dân thấy họ đang có cuộc sống xa hoa, hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của xã hội.
Rất tiếc, ở Việt Nam, nhiều cán bộ chưa thật quan tâm tới điều này và hình ảnh của mình.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng có thể tổ chức đám cưới linh đình, sang trọng cho con ở một tỉnh mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một quan chức cao cấp có thể đưa vợ đi du lịch châu Âu và khoe hàng hiệu trên Facebook.
Làm như vậy, hình ảnh của các vị cán bộ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trước hết, đã là cán bộ ở đất nước ta thì làm sao có thể giàu sang vượt trội?
Với đồng lương và phụ cấp hiện hành, không vị cán bộ nào nào có thể giải trình được về sự giàu có của mình. Mà như vậy, thì hình ảnh của cán bộ sẽ lập tức bị xấu đi.
Nói thẳng ra hay không, thì công chúng sẽ mặc nhiên cho rằng chức tước đã đưa lại cho cán bộ những khoản thu nhập bất chính. Điều này càng có cơ sở trong bối cảnh lỗ hổng về kiểm soát tài sản quan chức, cán bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để tại Việt Nam.
Thiếu một sự thấu hiểu, hòa đồng với người dân, không ít cán bộ trở thành một tầng lớp tách rời trong xã hội. Dần dần hình thành lên tầng lớp mà công chúng coi là đặc quyền, đặc lợi.
Tệ hại hơn, không ít cán bộ còn cố ý tạo cho mình một hình ảnh thật sự rất kém sức hấp dẫn. Cụ thể là họ luôn luôn tìm cách chứng tỏ mình là người có chức, có quyền; mình là người có địa vị xã hội cao hơn.
“Mày biết tao là ai không?” là câu hỏi đầy cao ngạo mà chúng ta thường thấy mạng xã hội trích dẫn. Câu hỏi này chỉ có thể phát ra từ một tâm thế coi bản thân mình là bề trên, là hơn hẳn.
Hình ảnh công chúng của cán bộ phải được coi là một phần cấu thành của hệ thống chính trị.
Có thể, dưới đây là hình ảnh của cán bộ đang có nguy cơ sẽ hình thành nên trên thực tế:
- Tham nhũng, cửa quyền;
- Đạo đức giả; mị dân; nói một đàng, làm một nẻo;
- Ích kỷ, thờ ơ với việc công, với sự khốn khó của dân;
- Thiếu hiểu biết, trình độ chuyên môn thấp;
- Thủ đoạn, mất đoàn kết, kéo bè, kéo cánh;
- Lãng phí, xa hoa;
- Đặc quyền, đặc lợi; thân hữu.
Với một hình ảnh công chúng như trên, tính chính danh của hệ thống sẽ bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Đó là chưa nói tới việc chủ trương, chính sách được đề ra khó lòng được công chúng nhiệt tình ủng hộ.
Thiếu sự ủng hộ của người dân, chi phí thực thi chính sách sẽ lớn đến vô cùng, và khả năng thành công của các chính sách cũng rất thấp.
Tóm lại, hình ảnh của cán bộ phải được coi là một phần cấu thành của hệ thống chính trị. Nó bảo đảm không chỉ tính chính danh, mà còn tính hiệu năng của hệ thống.
Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết của của Đảng đòi hỏi cán bộ phải nêu gương là một phản ứng chính sách kịp thời. Tuy nhiên, có phẩm hạnh mới có thể nêu gương. Cán bộ phải thật sự rèn luyện đạo đức, trước khi có thể nêu gương cho công chúng.
Vẫn còn không ít cán bộ có hình ảnh rất tốt đẹp và hấp dẫn. Họ thực sự là những người đức độ, khiêm nhường, tận tụy. “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” (Ngạn ngữ Nhật Bản).
Tuy nhiên, những người ít quan tâm đến hình ảnh của mình lại có vẻ nhiều hơn mức cần có. Thêm vào đó, hiệu ứng truyền thông do mạng xã hội mang lại đang làm cho hình ảnh công chúng của cán bộ bị tổn hại rất nghiêm trọng.