Liên Hợp Quốc hôm 30/3 công bố báo cáo mới nhất về vụ tấn công tại làng Bounti, Mali do quân đội Pháp thực hiện vào ngày 3/1. Báo cáo cho biết đã có 19 dân thường, trong tổng số 22 người, thiệt mạng khi đang tham dự một lễ cưới, theo New York Times.
Pháp lập tức bác bỏ thông tin về thiệt hại gây ra cho dân thường và tài sản tại đây, nhưng nước này cũng không phủ nhận cuộc tấn công.
Khu vực ở Bounti, nơi xảy ra vụ không kích. Ảnh: New York Times. |
Cụ thể, quân đội Pháp tuyên bố họ đã "vô hiệu hóa khoảng 30 GAT" - từ viết tắt bằng tiếng Pháp chỉ một nhóm khủng bố có vũ trang.
Dù vậy, cuộc điều tra được thực hiện bởi phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Mali phát hiện thực tế có một lễ cưới được tổ chức vào ngày hôm đó.
Trong số thành viên tham dự, có thể đã có 5 người mang theo súng thuộc nhóm Hồi giáo vũ trang Katiba Serma, vốn có liên kết chặt chẽ với Al Qaeda. Sau đó, hai trong số các tay súng này đã rời đi, ba người còn lại thiệt mạng, cùng với toàn bộ 19 dân thường là khách mời của lễ cưới.
Báo cáo cho biết dù buổi lễ đã diễn ra một ngày trước, vẫn còn khoảng 100 nam giới và thanh thiếu niên nán lại để tiếp tục ăn mừng vào chiều hôm sau. Họ cùng nhau cầu nguyện, sau đó phân tán thành nhiều nhóm dưới một số gốc cây, vào thời điểm trước khi cuộc tấn công xảy ra.
Có khoảng 5.000 binh sĩ Pháp đang đóng quân ở Mali. Ảnh: ABC. |
Phản ứng trước bản báo cáo của Liên Hợp Quốc, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết: “Các nguồn cụ thể duy nhất của báo cáo là từ lời khai của dân địa phương. Điều này cho thấy báo cáo không “cung cấp bất kỳ bằng chứng nào mâu thuẫn với sự thật theo mô tả của các lực lượng vũ trang Pháp”.
Nhận định về sự việc này, ông Ousmane Diallo, nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế thuộc cộng đồng Pháp ngữ Tây Phi, mô tả thái độ của Pháp như vậy hoàn toàn gây sốc. Ông viết trên Twitter: “Người Pháp vẫn cứ vòng vo, trong khi người dân ở đây đang tiếc thương những nạn nhân đã khuất”.
Bà Corinne Dufka, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Tây Phi, nói rằng: “Đã quá đủ cho việc buộc chính phủ Pháp xem lại khẳng định ban đầu của họ và tiến hành một cuộc điều tra.
Cuộc không kích ngày 3/1 của Pháp đã thổi bùng làn sóng phẫn nộ ở quốc gia Tây Phi này. Vụ việc thêm một lần nữa gia tăng sức ép từ công luận đối với quân đội Pháp, buộc 5.000 binh sĩ Pháp ở đây phải sớm rút đi.
Trong một diễn biến đang chú ý khác, ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, khẳng định: “Chúng tôi đứng về phía báo cáo và công việc của các đồng nghiệp chúng tôi ở Mali”. Đồng thời, ông cũng cho biết phát hiện này nêu bật lên “những lo ngại nghiêm trọng” về cách các quốc gia xác minh liệu những mục tiêu quân sự được nhắm đến có hợp pháp hay không.
Cuộc chiến của Pháp chống lại các phần tử Hồi giáo ở Sahel - vùng đất khô cằn rộng lớn ở phía nam Sahara - đã kéo dài nhiều năm và vẫn chưa có hồi kết. Trong tuần trước, quân đội Pháp thậm chí còn bị cáo buộc giết hại nhiều dân thường hơn, ở khu vực miền Bắc Mali. Phía Pháp nói rằng những người này là khủng bố, trong khi một thị trưởng địa phương cho biết họ chỉ là những thanh thiếu niên đi săn chim.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi Pháp và Mali tiến hành các cuộc điều tra riêng biệt về những gì thực sự đã xảy ra tại đám cưới, đồng thời phải bồi thường cho các nạn nhân của vụ tấn công.