Sáng 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc với sự tham dự của 349 đại biểu, đại diện cho hơn 26.000 đảng viên trong toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự và chỉ đạo đại hội.
“Đắk Nông cần thu hút đầu tư có chọn lọc”
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận những kết quả mà tỉnh Đắk Nông đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Đắk Nông có vị trí hết sức quan trọng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên; là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, cảnh quan, văn hóa, khoáng sản, đất đai, tài nguyên rừng, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Từ đó, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Đắk Nông cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn nữa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Bình dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông. Ảnh: D.P. |
"Đắk Nông sớm lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phản ánh khách quan điều kiện, thực tiễn và lợi thế của tỉnh, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và thế giới. Địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc. Phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, nhất là phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu Đắk Nông tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng tái tạo, chế biến nông, lâm sản. Ngoài ra, địa phương cũng cần phát triển hợp lý các ngành công nghiệp có tiềm năng trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bền vững về môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Đắk Nông cần coi trọng kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ và hồi sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng; quan tâm hơn nữa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, địa phương cần phát triển mạnh các loại hình thương mại, ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; quan tâm hơn đến phát triển kinh tế cửa khẩu. Tỉnh cần có chiến lược và tư duy đổi mới, sáng tạo về phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với nét đặc sắc riêng, trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và phát huy giá trị của Công viên địa chất UNESCO Đắk Nông.
Ông Bình yêu cầu Đắk Nông sớm cụ thể hóa và triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt; tập trung giải quyết tốt vấn đề dân di cư tự do, ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Phấn đấu thành tỉnh trung bình khá
Theo báo cáo chính trị trình đại hội, đến năm 2020, Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.
Đặc biệt, trong tháng 7/2020, hệ thống hang động núi lửa của tỉnh được tổ chức UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, việc này có ý nghĩa đối với quá trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Đại hội đặt mục tiêu đưa Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông. Ảnh: D.P. |
Theo đó, Đắk Nông sẽ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7,5-8%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 trên 70 triệu đồng; thu ngân sách trên 18.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 12%/năm.
Để làm được điều này, Đắk Nông tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; chủ động và kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, kinh doanh.
Tỉnh tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Địa phương cũng sẽ tập trung thu hút, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực, doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào các lĩnh vực được chọn là khâu đột phá, thực hiện dự án có vốn lớn, đi đầu, dẫn dắt, tạo động lực lan tỏa.