Tyler Ivanoff tìm thấy lá thư viết tay bằng tiếng Nga vào đầu tháng này trong khi kiếm củi gần làng Shishmaref nơi anh sinh sống, khoảng 966 km về phía tây bắc của Anchorage, thành phố lớn nhất bang Alaska của Mỹ, theo đài truyền hình địa phương KTUU.
“Tôi đang kiếm củi thì thấy cái chai”, anh Ivanoff, một giáo viên, nói với AP. “Khi tôi tìm thấy cái chai, tôi phải dùng tua-vít để lấy lá thư ra”.
"Tôi phải kéo rất mạnh (nút chai). Tôi còn dùng răng để cố mở nó", anh trả lời tờ báo The Home Nugget của Alaska.
"Bên trong vẫn khô, và vẫn ngửi thấy mùi rượu hay mùi gì đó - rượu cũ. Lá thư vẫn khô", anh nói thêm.
Hình ảnh được Ivanoff đăng trên Facebook. Ảnh: Facebook/Tyler Ivanoff. |
Anh Ivanoff đã chia sẻ lá thư trên Facebook, và một số người biết tiếng Nga đã dịch nội dung. Đó là lời chào từ một thủy thủ Nga thời Chiến tranh Lạnh, đề ngày 20/6/1969. Lá thư ghi địa chỉ và mong muốn người tìm thấy hãy phản hồi.
“Xin gửi lời chào chân thành nhất! Từ tàu VRXF Sulak của Hạm đội Viễn Đông Nga. Tôi xin chào người tìm thấy cái chai này, và mong bạn hãy viết thư trả lời cả thủy thủ đoàn chúng tôi ở địa chỉ Vladivostok-43 BRXF Sulak. Chúng tôi chúc bạn sức khỏe và sống lâu và ra khơi vui vẻ nhé. Ngày 20/6/1969”, lá thư viết.
Các phóng viên từ kênh truyền hình nhà nước Russia-1 của Nga đã tìm ra người viết lá thư, đại úy Anatolii Prokofievich Botsanenko, KTUU đưa tin.
Khi ông Botsanenko, hiện 86 tuổi, nghe về lá thư, ông đã vui mừng đến nỗi bật khóc, theo các phóng viên. Ông nói với kênh Russia-1: “Đúng là chữ tôi rồi. Chắc chắn rồi! Hạm đội đánh cá công nghiệp phía Đông! E-I-F-F (tên viết tắt)”.
Chính ông đã nghi ngờ mình là người viết thư cho đến khi thấy chữ ký ở phía dưới.
“Đó - chính xác rồi!”, ông thốt lên.
Ông Botsanenko trong phóng sự truyền hình về việc tìm thấy lá thư. Ảnh: Russia-1. |
Ông Botsanenko nói lá thư được gửi khi ông 36 tuổi và đang phục vụ ở trên tàu Sulak. Ông rơi nước mắt khi phóng viên truyền hình Nga nói với ông rằng con tàu đã bị bán phế liệu vào những năm 1990.
Ông Botsanenko cũng cho phóng viên xem đồ lưu niệm từ thời còn làm việc trên tàu, bao gồm chữ ký của vợ một điệp viên nổi tiếng người Nga và những chai rượu Nhật Bản. Những chai rượu được giữ lại bất chấp bị vợ ông phản đối.
Theo đài Nga, đại úy Botsanenko tham gia đóng tàu Sulak vào năm 1966 và cùng con tàu này ra khơi cho đến năm 1970. Khi các phóng viên tìm đến địa chỉ trong lá thư, một phụ nữ trả lời rằng “người này đã chuyển đi 40 năm nay rồi!”. Họ tìm ra ông đang sống ở Sevastopol và đến gặp.