Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết báo từ năm 16 tuổi

Nhiều tài liệu cho biết bài báo đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết vào tháng 7/1927, khi ông 16 tuổi.

Khi đó, Võ Nguyên Giáp còn là học sinh ở trường Quốc học Huế. Đó là bài báo ngắn viết bằng tiếng Pháp, tiêu đề rất mạnh mẽ: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!). Có tài liệu cho rằng bài báo này không được đăng vì nặng nề quá.

Những bài báo mạnh mẽ về các vấn đề nóng

Trong cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ (NXB Kim đồng cùng NXB Thanh niên vừa tái bản) do Trung tướng Phạm Hồng Cư - người em “cọc chèo” với Đại tướng chấp bút - có sự cộng tác của PGS Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng, viết rằng:

“Tiêu đề bài báo như một khẩu hiệu đấu tranh, một tiếng thét căm hờn. Bài báo được đăng trên tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường, xuất bản tại Sài Gòn, một tờ báo tiến bộ thời ấy dám công khai đả kích thực dân Pháp. Bài báo có tiếng vang ở Huế, Sài Gòn”.

Vo Nguyen Giap lam bao anh 1
Bìa sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.

Sau sự kiện tham gia tổ chức bãi khoá ở trường Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp phải về quê. Năm 1929, Võ Nguyên Giáp được ông Đào Duy Anh, lúc đó là chủ bút báo Tiếng dân, giới thiệu vào làm việc trong tòa báo do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm, đặt tại Huế.

Cuốn sách của tác giả Hồng Cư cho biết, để có kiến thức làm báo, ông Giáp phải đọc rất nhiều sách báo các loại để tìm hiểu những vấn đề đang sôi nổi dư luận lúc bấy giờ.

“Anh phải tìm hiểu những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thế giới. Anh làm quen với mọi thể loại: Tin tức, thời sự, bình luận, điều tra, phóng sự… Anh viết rất nhiều bài dưới nhiều bút danh: Vân Đình, Hải Thanh. Anh được phân công viết mục Thế giới thời đàm đưa tin và bình luận tình hình thế giới. Khi ấy anh đã rất chú ý đến tình hình chiến tranh du kích ở Trung Quốc”, cuốn sách viết.

Lần theo bút danh của Võ Nguyên Giáp, người ta đã tìm thấy 27 bài đăng trên 36 số báo Tiếng dân của ông đề cập đến những vấn đề vũ trụ luận, triết học, mâu thuẫn xã hội trong chế độ nô lệ, phong kiến, về nền nghệ thuật học bình dân, kinh tế...

Nhân đọc cuốn Annuaire statistique (Niên giám thống kê), ông đã lấy tư liệu về các công ty tư bản ở Đông Dương có vốn trên một triệu đồng (tất cả 29 công ty) viết một bài tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng đối với tư sản dân tộc Việt Nam. Bài đăng hai cột báo trang nhất.

Tất nhiên các nhà cầm quyền thực dân không thể chịu nổi. Bài báo bị kiểm duyệt xoá sạch. Theo quy chế quản lý báo chí của chính quyền thực dân, báo in xong phải đưa sang Sở mật thám để kiểm duyệt.

Chánh mật thám Trung kỳ Leon Sogny gạch xoá gần hết bài báo của ông với cây bút chì xanh của hắn. Lúc ấy các nhà báo gọi cơ quan kiểm duyệt là crayon bleu (bút chì xanh). Đưa về sửa bài không kịp, ông Giáp thưa với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ nói: “Cứ để cột trống”.

Thời kỳ làm báo sôi nổi, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ

Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930, ông Giáp bị bắt rồi bị trục xuất khỏi Huế. Ông ra Hà Nội kiếm sống, học tập. Tại đây, ông hoàn thành chương trình trung học, rồi học lấy bằng cử nhân Luật tại Đại học Đông Dương và tham gia dạy học tại trường trung học Thăng Long. Ông cũng tham gia hoạt động trong nhóm Hồn trẻ tập mới, rồi làm báo Le Travail (Lao động) bằng tiếng Pháp, trong đó ông dần đóng vai trò quan trọng như biên tập viên chính, chủ bút.

Thời gian làm việc tại báo Le Travail, Võ Nguyên Giáp có một thiên phóng sự điều tra dài kỳ về cuộc sống của đồng bào ở những vùng bị lũ lụt, tiếp đến là các tác phẩm phản ánh về cuộc đình công của 6.000 công nhân mỏ Cẩm Phả, những bài học của một cuộc đình công thắng lợi, người ta bóc lột nông dân như thế nào...

Vo Nguyen Giap lam bao anh 2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.

Báo Le Travail tồn tại được bảy tháng với 30 số báo, đến ngày 16/4/1937 thì bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Sau khi báo Le Travail đóng cửa, ông Võ Nguyên Giáp cùng toàn bộ lực lượng của báo này chuyển sang làm báo Rassemblement (Tập hợp). Đến khi phong trào dân chủ đang lên mạnh, báo Rassemblement không còn thích hợp nên ngừng xuất bản để cho ra đời báo En Avant (Tiến lên).

Đầu năm 1939, Võ Nguyên Giáp cùng với Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Trần Đình Long, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Văn Chất... tiếp tục cho ra đời báo Notre Voix (Tiếng nói chúng ta). Ngoài ra, ông Giáp còn viết bài trên các báo Thế giới, Dân chúng

Sau khi xứ Trung kỳ tổ chức thành công hội nghị báo giới toàn xứ (tháng 3/1937), ngày 24/4/1937 hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc kỳ cũng đã được tổ chức tại hội quán CSA số 1 phố Charles Coulier (nay là câu lạc bộ Thể dục Thể thao Khúc Hạo), Hà Nội. Hội nghị đã bầu ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và ông Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch Ủy ban Báo chí.

Tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ cử sang Vân Nam (Trung Quốc) để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ đó, ông bước vào sự nghiệp hoạt động cách mạng, nhưng vẫn liên tục tham gia viết báo để tuyên truyền, vận động cách mạng và sau đó là động viên, chỉ đạo quân đội.



Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm