Trong cuốn Đại thắng mùa Xuân (NXB Quân đội nhân dân, xuất bản lần đầu tháng 7/1976), Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ tái hiện lại sinh động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, mà còn đề cập đến nhiều tư liệu quý, quan trọng và có giá trị lịch sử.
Quyết tâm của dân tộc Việt Nam anh hùng
Tại chương 15, Đại tướng có đề cập đến một tư liệu quan trọng là Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bản đồ này thể hiện toàn bộ kế hoạch tác chiến của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời phản ánh kết quả quá trình lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết vấn đề về tổ chức các hướng tiến công, kế hoạch đảm bảo giữa các hướng, các quân khu, các binh đoàn, các quân chủng, binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. |
Bản đồ này cũng thể hiện quyết tâm chiến đấu của Bộ Chỉ huy chiến dịch của Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị và toàn dân tộc Việt Nam.
Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh được thực hiện từ ngày 15/4/1975, hoàn thành vào ngày 21/4/1975, tại Sở Chỉ huy đóng tại Tà Thiết, huyện Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), sau nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Bản đồ này được Phòng tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu thực hiện trên bản đồ miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh gồm:
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Chính ủy Chiến dịch, các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Phó Tư lệnh.
Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị bổ sung đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Chiến dịch và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền được chỉ định Tham mưu trưởng Chiến dịch chuyên trách về tác chiến.
Cũng trong ngày 22/4/1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tại buổi duyệt này, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được trải trên bàn mang những nét vẽ đỏ tươi chỉ 5 hướng tấn công của các binh đoàn vào Sài Gòn - Gia Định, giống “như 5 bông sen nở tung ra từ năm mục tiêu tấn công chủ yếu… Dinh Độc lập trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch, và đồng chí Phạm Hùng, Chính ủy cùng ký vào tấm bản đồ đó, dưới sự chứng kiến của đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị tại Mặt trận và các đồng chí khác trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Chữ ký của tư lệnh và chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh phía góc phải bản đồ. Ảnh tư liệu. |
Nói về thời khắc lịch sử quan trọng này, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết:
“Chúng tôi vô cùng vinh dự được thay mặt cho tất cả đồng bào và đồng chí thân yêu, thay mặt cho hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Sài Gòn - Gia Định này, và cũng vô cùng vinh dự nhận lấy trách nhiệm mà Bộ Chính trị đã trực tiếp giao cho chúng tôi trong chiến dịch này”.
Sau khi tấm bản đồ hoàn thành, các đơn vị lần lượt đến sở chỉ huy nhận nhiệm vụ tiến công theo từng hướng.
Ngày 29/4/1975, bộ đội trên 5 hướng nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn, theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Những mũi tên đỏ như được tô đậm thêm, kéo dài thêm, tiến dần về hướng nội đô, bao vây lấy Sài Gòn.
Trưa 30/4/1975, 5 cánh quân hợp điểm giữa Sài Gòn. Quân đoàn 2 chiếm dinh Độc Lập; Quân đoàn 4 chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh; Quân đoàn 1 chiếm Bộ Tổng tham mưu và khu vực các bộ tư lệnh các binh chủng.
Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Đoàn 232 chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh như tấm bản đồ quyết tâm đã thắng lợi.
Trở thành Bảo vật quốc gia
Theo thông tin từ hồ sơ trình Thủ tướng công nhận Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là bảo vật quốc gia hiện lưu trữ tại Cục Di sản, sau khi hoàn tất sứ mệnh của lịch sử, từ năm 1975 – 1990, Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Văn Tiến Dũng cất giữ cẩn thận trong chiếc cặp đựng tài liệu của mình.
Bộ Chỉ huy đang duyệt kế hoạch tác chiến trên Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Thời gian làm việc tại tại nhà D67 (Khu A) nơi làm việc của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, có lần Đại tướng dặn Đại tá Nguyễn Đức Báu, Thư ký riêng của ông: “Đồng chí phải giữ gìn cẩn thận tấm bản đồ này vì đây là tấm bản đồ có chữ ký của tôi và đồng chí Bảy (bí danh của đồng chí Phạm Hùng). Bản đồ này có ý nghĩa lịch sử quan trọng, cần được bảo quản lưu giữ lâu dài”.
Đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 - 30/4/1990) và 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1990), Đại tướng đã trao lại tấm bản đồ này cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ).
Ngày 22/3/2011, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đề nghị Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng xem xét trình Thủ tướng công nhận Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là Bảo vật quốc gia.
Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và tiến tới Kỷ niệm 40 năm Ngày Thống nhất miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015), Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Thông tin về bản đồ
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Số đăng ký: BTLS QS: 7444Gi-1700. Chất liệu: giấy. Kích thước: chiều dài: 185,5 cm; chiều rộng: 170 cm. Hiện trạng: Đã sờn các đường gấp. Niên đại: 1975. Nguồn gốc, xuất xứ: Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), sưu tầm tại gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng năm 1990.
Miêu tả: Hình chữ nhật, bản đồ ghép 12 mảnh, chính giữa ở phía trên bản đồ có chữ: “QUYẾT TÂM CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH”, ở cuối bản đồ phía góc phải có chữ viết tay: “Làm tại Chỉ huy Sở ngày 22/4/1975.