Tối 26/8, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng chuyên đề Thù lao trên trời khi làm phim. Trong đó, đài đưa ra dẫn chứng về tình trạng các nghệ sĩ nổi tiếng được thổi phồng thù lao, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng các bộ phim khi phát sóng.
Mức thù lao chỉ ở Trung Quốc
Hồi năm 2013, khi được hỏi về vấn đề cát-xê cao, Thành Long công khai chia sẻ: “Thù lao tăng lên là do thị trường quyết định. Giá trị thị trường của ngôi sao là điều bình thường, kẻ muốn cho, người muốn nhận, có gì đâu”.
Đài quốc gia chỉ trích hiện tượng đẩy giá thù lao, dẫn chứng hai trường hợp Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa. Ảnh: CCTV. |
Các nhà làm phim lao đầu vào việc mời các nghệ sĩ có tiếng đóng chính với mục đích bảo đảm thành công của phim. “Cung có, ắt cầu được đẩy lên cao”, 50% đến 70% chi phí sản xuất phim ở Trung Quốc hiện được sử dụng để trả thù lao nghệ sĩ.
“Trên mạng lan truyền thông tin để mời được diễn viên có chút tiếng tăm tham gia đóng phim, thù lao thấp nhất là 25 triệu NDT, tối đa vượt qua 100 triệu NDT. Con số này sau khi tham khảo ý kiến các nhà sản xuất được khẳng định không có sự khác biệt với thực tế”, CCTV trích dẫn.
“Đơn cử như trường hợp hai diễn viên nổi tiếng Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn. Họ được mời tham gia Hậu cung Như Ý truyện. Họ có danh tiếng và mức thù lao được nhận khiến người ta nghi ngờ về giá trị thực tế họ mang lại.
Sau khi phim đóng máy, Hoắc và Châu nhận được 150 triệu NDT (hơn 22 triệu USD). Đây là con số có thể thực hiện một dự án điện ảnh”.
Hoắc Kiến Hoa và Châu Tấn trong lễ khởi quay phim Hậu cung Như Ý truyện. Mức thù lao của họ đang gây tranh cãi. Ảnh: Sina. |
Các phim được o bế hiện nay trên màn ảnh nhỏ như Huyễn thành, Tru Tiên, Lão cửu môn, Bán yêu khuynh thành đều có điểm chung là dàn diễn viên trẻ đẹp gây chú ý nhưng kịch bản bị bỏ quên. “Trên các phương tiện truyền thông, người ta nói về các nghệ sĩ hạng A xinh đẹp, điển trai và không nói về nội dung”.
CCTV công khai chỉ trích sự lạm dụng danh tiếng, cố làm giàu cho bản thân nhưng lơ là diễn xuất của các sao hạng A. “Những nghệ sĩ mang mác ngôi sao sẵn sàng bỏ qua các kịch bản hay nếu không có thù lao thỏa đáng”.
Thua phim Hàn, kém xa Hollywood
Sự thật là những dự án có sao hạng A đóng không đồng nghĩa với sự thành công. Điển hình Huyễn Thành (Phùng Thiệu Phong, Mã Thiên Vũ, Victoria), Bong bóng mùa hè (Đại S, Huỳnh Hiểu Minh) quảng bá dàn sao nhưng lại thất bại về doanh số.
Trung Quốc có thể dành 70% kinh phí trả thù lao, trong khi ở Hàn tối đa con số này dao động mức 20%. Hollywood là tỷ lệ 10% đến 30%. Ảnh: KBS. |
“Việc đòi hỏi thù lao đến tỷ lệ 50% đến 70% chi phí sản xuất như hiện nay chỉ có ở Trung Quốc. Tại Hollywood, họ làm phim kinh phí lớn, sao tầm quốc tế nhưng tỷ lệ này chỉ ở mức 10% đến 30%. Tại Hàn Quốc - thị trường điện ảnh đang được đánh giá cao, tỷ lệ này dao động khoảng 20%. Hậu duệ mặt trời với sự tham gia của Song Hye Kyo, Song Joong Ki cũng không vượt qua con số trên”, CCTV nhấn mạnh.
Nhà đài cho rằng sự đầu tư kịch bản và cách làm phim là điều giúp điện ảnh Hàn thắng thế.
Tổng cục Điện ảnh cùng lúc ra án lệnh cấm triệt để
Tối 26/8, trên trang web chính thức của Tổng cục Điện ảnh Phát thanh truyền hình Trung Quốc công bố văn bản mới quy định hạn chế việc nâng thù lao, đòi giá "trên trời" của sao hạng A. Đồng thời yêu cầu các đài truyền hình phải nộp kịch bản kiểm duyệt trước khi thực hiện.
“Kiên quyết ngăn chặn hiện tượng thù lao khủng hiện nay. Ngành sản xuất phải kết hợp với các công ty điện ảnh chú trọng giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, không được chú tâm đến các nghệ sĩ. Ngăn chặn việc lăng xê quá mức các nghệ sĩ như hiện nay. Yêu cầu các đài truyền hình không được chỉ định diễn viên mà không qua tuyển chọn, không được nhấn mạnh vào diễn viên có tiếng khi quảng bá phim”, văn bản Tổng cục nêu rõ.
Trong ngày, cơ quan quản lý Trung Quốc (ảnh trên) đưa ra văn bản chỉ đạo. |
Cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát mạnh cơ chế chấm điểm rating - tỷ lệ khán giả xem đài. “Không cho phép nâng giá thù lao căn cứ tỷ lệ rating”.
Cũng trong văn bản gồm 9 điều, phía Tổng cục chỉ thị hạn chế sản xuất show truyền hình thực tế. “Nghiêm cấm mời nghệ sĩ và con cái của họ tham gia các chương trình, ngăn chặn hiện tượng một đêm đã nổi tiếng, tư tưởng khoe giàu trên mạng xã hội”, văn bản nêu rõ.
Phía Tổng cục chủ trương thành lập Ủy ban đạo đức nghề nghiệp để rà soát các chương trình, cách hành nghề của nghệ sĩ, yêu cầu thực hiện đúng tiêu chí đạo đức ngành nghệ thuật.