Tối 22/9, đúng 7 ngày sau cơn đột quỵ, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trút hơi thở cuối tại bệnh viện Quân y 175. Quy luật tự nhiên là thứ không ai chống lại được, nhưng các đồng đội của ông Bảy vẫn không nguôi nhắc nhớ về người phi công anh hùng mang dáng vóc nông dân.
Phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam
Sau giai thoại "học 7 ngày lên 7 lớp", Nguyễn Văn Bảy bắt đầu hành trình đào luyện trở thành phi công xuất chúng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy thời trẻ và khi về hưu. Ảnh tư liệu. |
Còn đối với trung tướng Phạm Phú Thái, tác giả 2 tập hồi ký Lính Bay, ông Bảy là phi công có tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương.
"Anh đã 7 lần giành chiến thắng trong những tình huống như vậy trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi", ông Thái nói về người đồng đội.
Đúng như câu thơ "Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa", phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy sau khi về hưu đã trở lại miền quê Lai Vung (Đồng Tháp) để sống bình dị như một nông dân Nam Bộ. Tay bùn chân lấm với chiếc khăn rằn trên đầu, không ai còn nhận ra một phi công từng khiến không lực hùng mạnh nhất thế giới phải e sợ.
Trong những năm tháng cuối đời, các cựu phi công Mỹ đã đến thăm nhà ông Bảy ở Đồng Tháp và chính ông cũng sang Mỹ gặp gỡ những cựu thù.
"Xưa mình bắt buộc phải đánh nhau, nhưng giờ mình là bạn bè. Những chuyện quá khứ thì nên bỏ đi", ông Bảy nói với những cựu phi công từng ở bên kia chiến tuyến.
Một lần đến thăm nhà ông Bảy ở Lai Vung, phóng viên Zing.vn được chứng kiến lão nông 82 tuổi vẫn lội ao vét bùn, cầm dớn bắt cá. Những lúc rảnh rỗi, ông sang nhà hàng xóm lai rai vài ly rượu. Với chất giọng vui tươi, hào sảng, ông bảo: "Càng làm việc càng khỏe người".
Cánh én đầu tiên bảo vệ vùng trời
Ngày 4/8/1964, Chính quyền Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ lần thứ 2, kiếm cớ đưa không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Cuộc không kích đầu tiên của Mỹ diễn ra ngày 5/8 với việc ném bom một số cửa biển quan trọng của miền Bắc.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (phải) và các đồng đội. Ảnh tư liệu. |
Ông Nguyễn Văn Bảy khi đó 28 tuổi, vừa hoàn thành khóa huấn luyện phi công tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại một căn cứ ở Trung Quốc. Chỉ một ngày sau khi Mỹ đưa không quân ra miền Bắc, ông Bảy và các đồng đội lái 36 máy bay chiến đấu (33 MiG-17) về nước để kịp ứng chiến với máy bay Mỹ. Đó cũng là toàn bộ lực lượng của Trung đoàn không quân 921 - đơn vị không quân tiêm kích đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Việc chuyển cả một trung đoàn về nước ngay sau khi Mỹ đánh đủ thấy chúng ta đã khát khao chiến đấu và chuẩn bị sẵn tinh thần như thế nào", trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhớ lại.
Những chiếc MiG-17 đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (khi đó là sân bay quân sự mới được xây dựng). Động thái chuyển quân ấy được quân đội Mỹ nắm rõ bằng máy bay do thám. Nhưng đối phương tiếp nhận thông tin một cách hờ hững, họ nghĩ những chiếc MiG-17 "cổ lỗ sĩ" không có radar, tên lửa không thể cản bước các chiến đấu cơ tối tân của không quân Mỹ.
Tiêm kích F-4C của Không quân Mỹ đóng tại căn cứ Cam Ranh trong chiến tranh. Loại tên lửa đi kèm F-4C là AIM-7 Sparrow. Ảnh tư liệu. |
Từ 1965 đến 1968, Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Sấm Rền, ném bom đánh phá miền Bắc với 3 loại máy bay chủ lực là F-4 Phantom (Con Ma), F-105 Thunderchief (Thần Sấm) và F-8.
Các thông số kỹ thuật của MiG-17 đều thua kém máy bay Mỹ về mọi mặt, có thể ví như người tý hon đối đầu với gã khổng lồ. Vận tốc tối đa của MiG-17 là 1.145 km/h trong khi vận tốc của một chiếc F-105 là trên 2.200 km/h.
Máy bay Thần Sấm được gắn radar, tên lửa tầm nhiệt không đối không, không đối đất và 5 tấn bom, còn MiG-17 chỉ có trang bị nghèo nàn gồm 3 pháo 37 mm và 23 mm, ngắm bắn bằng mắt.
MiG-17 hạ gục "Thần Sấm", "Con Ma"
Đối phương không thể ngờ những chiếc MiG-17 kém hiện đại khi được trao cho các phi công "nông dân" như Nguyễn Văn Bảy lại có thể hạ gục hàng chục Con Ma, Thần Sấm trên bầu trời miền Bắc.
Chiếc MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nơi phi công Nguyễn Văn Bảy từng chiến đấu và giữ chức Trung đoàn trưởng. Máy bay hiện được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không Không quân. Ảnh: Việt Linh. |
Từ 1965 đến 1972, phi đội MiG-17 thuộc các Trung đoàn 921 và 923 đã bắn rơi 71 máy bay Mỹ, bao gồm 16 chiếc F-105, 32 chiếc F-4, 11 chiếc F-8 Crusader, 2 chiếc A-4 Skyhawk, 7 chiếc A-1 Skyraider, 1 chiếc C-47, 1 chiếc trực thăng Sikorsky CH-3C và 1 chiếc máy bay không người lái Ryan Firebee.
Trong số 19 phi công đạt cấp Aces của Không quân Việt Nam, chỉ có 3 người điều khiển tiêm kích MiG-17. Các Aces còn lại đều đạt được thành tích này với chiếc MiG-21 vốn hiện đại hơn rất nhiều và có sức mạnh ngang ngửa các tiêm kích Mỹ cùng thời. Ảnh tư liệu. |
"Muốn diệt máy bay địch bằng pháo, phi công lái MiG-17 phải tiếp cận rất gần, cự ly bắn chỉ 200 đến 300 m. Chiến thuật của chúng ta là tấn công nhanh ngay khi phát hiện địch, kiên quyết bám theo tiêu diệt khi địch bay vòng tránh. Còn khi bị tấn công trước thì cả phi đội MiG-17 sẽ bay vòng tròn để bảo vệ nhau, phân tán hỏa lực địch", ông Soát diễn giải.
Thất bại trước các phi công MiG-17 quả cảm, gan lỳ như ông Bảy, quân đội Mỹ đã phải “viết lại” sách huấn luyện không chiến và điều chỉnh thiết kế máy bay tiêm kích theo hướng coi pháo (canon) như vũ khí tiêu chuẩn bắt buộc kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Gắn bó cả đời binh nghiệp với MiG-17, anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ (gồm 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4), trở thành một trong 19 phi công Việt Nam đạt cấp Aces (một danh hiệu có từ Thế chiến II dành cho những phi công bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên).
Dù chưa bao giờ bị kẻ địch bắn hạ nhưng cũng có lần khi trở về căn cứ, chiếc MiG-17 của ông Bảy lỗ chỗ vết đạn, thủng cả kính buồng lái.
Đến năm 1972, Không quân Việt Nam dần thay thế MiG-17 bằng dòng MiG-21 hiện đại hơn, loại máy bay này chỉ còn tham gia một vài trận rồi được đưa vào kho niêm cất. Phi công Nguyễn Văn Bảy cũng chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu sang huấn luyện, đào tạo các thế hệ phi công kế cận.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A) qua đời tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) ngày 22/9 sau một cơn đột quỵ khi đang làm vườn.
Quân Chủng Phòng không - Không quân cho biết lễ viếng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy diễn ra từ 9h ngày 24/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM). Linh cữu sau đó được đưa về an táng tại nghĩa trang gia đình ở Lai Vung, Đồng Tháp.