"Con người ba sống một đời ngay ngắn, đến lúc chết cũng phải nằm cho ngay ngắn", chị Nguyễn Phi Nga kể về những ngày cuối cùng của ba mình, phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.
Sáng 24/9, bên trong Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, hàng chục người vây quanh thi hài đại tá Nguyễn Văn Bảy (Nguyễn Văn Hoa), mắt ai cũng hoe đỏ. Ban đầu chỉ là những tiếng nấc cố nén. Nhưng khi bắt đầu nhập quan, những tiếng khóc nối nhau lớn dần.
Chị Nguyễn Phi Nga (con út cụ Bảy) mắt ướt lệ nhìn di hài ba. Chị muốn ghi lại từng đường nét trên dáng hình ba bởi đây sẽ là lần cuối trong đời chị được nhìn thấy ba Bảy bằng xương bằng thịt.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (còn gọi ông Bảy, Bảy A), người lái MiG-17 bắn rơi 7 máy bay của Mỹ, đã qua đời lúc 21h ngày 22/9, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng của ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp) vào hồi 9h sáng 24/9.
"Nghe tên mình cũng thấy nhớ ba"
Sáng 16/9, bà Trần Thị Niên (vợ ông Bảy) nấu xong bữa trưa như mọi ngày và gọi ông Bảy vào ăn cơm nhưng ông còn “ráng làm nốt mảnh vườn”. 10h30 không thấy chồng về. Bà vội gọi con gái là chị Phi Nga cùng các cháu túa đi tìm khắp ngả.
“Ra vườn, cả nhà nhìn thấy ba nằm ngay ngắn trên bãi chấu, hai tay để trước ngực, mắt nhắm nghiền, miệng hé mở hít thở từng hơi nặng nhọc. Giống như ba biết mình mệt nên nằm đó nghỉ chút thôi. Rồi ai ngờ cứ thế nghỉ đến lúc đi luôn. Con người ba sống một đời ngay ngắn, đến lúc chết cũng phải nằm cho ngay ngắn”, chị Phi Nga xúc động kể về những ngày cuối đời của ba mình trong tiếng nấc ngắt quãng.
Chị Nga nói mọi dấu ấn trong cuộc đời ông Bảy đều được ghi dấu lên từng người con trong gia đình. Người con trai cả được đặt tên là Phi Hùng bởi năm đó ông Bảy được tuyên dương anh hùng (1967). Năm 1971, ông làm đại biểu Quốc hội nên người con trai thứ hai mang tên Quốc Hội. Năm 1973, ông đi Nga học nên con gái út mang tên Phi Nga.
“Trong gia đình, ai cũng có dấu ấn của ba hết. Tên đệm tôi là Phi bởi ba làm phi công nên đặt vậy. Giờ nhìn đâu cũng thấy nhớ ba, nghe tên mình cũng thấy nhớ ba”, chị Nga rưng rưng nói.
Bà Huê (cháu ông Bảy) chăm chú đọc bài viết về cậu mình trên báo. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Nhìn linh cữu của ông Bảy không rời, bà Huê (cháu ruột gọi ông Bảy bằng cậu) chia sẻ, giọng trầm buồn: "Ông Bảy thường bảo 'tao sống thì sống rất dai mà tao chết một cái thì chết luôn, không để ai phải đau buồn nhiều'. Ông nói thế ai ngờ ông làm thế thật".
Sau khi chia tay những cánh chim sắt trên bầu trời, ông Bảy về quê sống một cuộc đời bình dị, gắn bó với vườn cây ao cá, lão nông anh hùng thường nói ông muốn một cuộc ra đi không phiền đến ai.
Khi được hỏi về cuộc đời ông Bảy, bà Huê trầm ngâm một lúc rồi đúc kết: “Cả cuộc đời cậu Bảy có thể gói gọn trong hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo/
"Chiến đấu với người đồng đội như vậy, tôi sung sướng đến rơi nước mắt”
“Anh Bảy,
Chúng ta đã gặp nhau trên làn súng. Bây giờ anh đi, tôi cũng sẽ đi theo anh nay mai. Chúc anh bình an, thanh thoát.
Lê Thành Chơn”.
Đó là những tâm sự trong cuốn sổ tang mà thiếu tá Lê Thành Chơn (81 tuổi) gửi đến người đồng đội Nguyễn Văn Bảy.
Sáng 24/9, liên tiếp nhiều đoàn thể, tổ chức, gia đình, cá nhân từ khắp nơi trên cả nước nối nhau đến tiễn đưa anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, trong đó nhiều người là bạn chiến đấu cũ của ông.
Ông Chơn nguyên là sĩ quan dẫn đường cho hàng trăm trận đánh của Không quân Nhân dân Việt Nam, cũng là đồng đội của đại tá Bảy trong hàng chục năm chinh chiến.
“Lúc biết tin thấy tiếc lắm, vì tôi với thằng Bảy gắn với nhau từ thời chiến tranh, tôi dẫn cho thằng Bảy 5 trận. Chúng tôi là tri kỉ đấy. Nó ra đi không nói tiếng nào. Thương chứ, nhớ chứ", ông Chơn bồi hồi.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Út ngồi xe lăn đến đưa tiễn người đồng đội Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Giống như ông Chơn, đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Thành Út, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn 307, không tin vào tai mình khi nghe tin về người đồng đội và phải gọi điện đi khắp nơi xác nhận.
Dù tuổi cao sức yếu, phải di chuyển bằng xe lăn, ông nhất quyết “đòi” con cháu đưa đến đám tang bằng được: “Tôi phải đích thân đến vĩnh biệt anh ấy”, vị đại tá quả quyết. Ông nói tiếp: “Tôi chỉ bất ngờ là anh ấy ra đi đột ngột quá, mới hôm nào còn uống cà phê với tôi. Tôi phải ngồi xe lăn còn anh ấy khỏe mạnh, đi lại phăm phăm”.
Kể về kỉ niệm thời còn chiến đấu với phi công Bảy, ông Út cho biết cả đời ông chỉ khóc trên chiến trường 2 lần. Một lần khi đồng đội chết và một lần khi thấy ông Bảy điều khiển chiếc máy bay thủng tới 84 lỗ trên thân, hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.
“Tôi quá xúc động, không phải bởi anh ấy quyết bay về thay vì nhảy dù, mà bởi khi xuống đất, anh ấy nhẹ nhàng, vui vẻ như không. Chiến đấu với người đồng đội như vậy khiến tôi sung sướng đến rơi nước mắt”, vị đại tá xúc động nói.
Bí thư Nhân đến viếng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy vào trưa 24/9. Ảnh: Quỳnh Trang. |
12h trưa cùng ngày, khi đoàn người tới tiễn đưa đã vãn dần, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn Thành ủy TP.HCM đến thắp hương, vĩnh biệt phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Trong sổ tang, Bí thư Nhân viết:
“Vô cùng thương tiếc Anh hùng lực lượng vũ trang Đại tá Nguyễn Văn Bảy […], người sĩ quan và Đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ”.
Lễ viếng Đại tá Nguyễn Văn Bảy tiếp tục diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đến hết ngày 25/9. Lễ Truy điệu sẽ được tổ chức vào 5h30 ngày 26/9. Sau lễ tang tại TP.HCM, linh cữu phi công Nguyễn Văn Bảy được đưa về quê nhà ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp).
Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 12h ngày 26/9. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12h ngày 27/9, an táng tại nghĩa trang gia đình thuộc xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Phi công Nguyễn Văn Bảy (còn gọi ông Bảy, Bảy A) là một trong 19 phi công Việt Nam được phong ACE – danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho các phi công lái máy bay chiến đấu bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên.
Từ năm 1966 đến 1967, ông đã hạ 7 máy máy Mỹ xâm phạm, phá hoại miền Bắc. Ông cũng là người vinh dự được Binh chủng Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ và lái chiếc MiG 17 dẫn đầu biên đội bay trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người ngày 9/9/1969.
Năm 1990, ông nghỉ hưu, trở về quê nhà ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) trồng rau, nuôi cá.
Ông được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng ba.